Dẫn nguồn tin từ Vụ Thị trường Châu Âu, Bộ Công Thương, theo dự báo, năm 2012 xuất khẩu vào thị trường EU sẽ khó khăn khi các Chính phủ và người dân Liên minh châu Âu đang thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng cắt giảm chi tiêu và đầu tư công, dẫn đến sức mua giảm, thị trường thu hẹp.

Kinh tế Eurozone năm 2012 tiếp tục khó khăn

Năm 2011 trôi qua với nhiều thách thức, khó khăn cho sự tồn tại của 17 nước thành viên khu vực đồng euro (Eurozone), có lúc tưởng chừng “ngàn cân treo sợi tóc”. Ngày 31/12/2011, Tổng thống Pháp N.Sarkozy đã phải thừa nhận Eurozone chìm trong khủng hoảng “chưa có tiền lệ” và không nên đánh giá thấp những hậu quả của nó, và năm 2012 sẽ là năm “có nhiều nguy hiểm”. 

Cuộc khủng hoảng nợ công sẽ khiến phần lớn nền kinh tế của các nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục rơi vào suy thoái trong năm nay, bất chấp những động thái tích cực trên các thị trường tài chính. Đó là nhận định của Ủy ban châu Âu (EC) trong báo cáo công bố ngày 23/2/2012 tại Brussels (Bỉ).

Theo đó, EC dự báo trong năm 2012 tăng trưởng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liên minh châu Âu sẽ giảm 0,3% thay vì tăng 0,5% như dự báo được đưa ra trước đó do sức tiêu thụ toàn cầu vẫn yếu. Kinh tế Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italia được dự báo tăng trưởng âm lần lượt là 4,4%, 3,3% và 1,3%. Đây là lần thứ ba trong vòng 3 năm trở lại đây Eurozone rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, bản báo cáo cũng cho thấy nền kinh tế sẽ có dấu hiệu phục hồi trong quý III/2012 với tốc độ chậm.

Khó khăn và triển vọng đối với xuất khẩu của Việt Nam vào EU năm 2012

Năm 2012, kinh tế thế giới chưa thoát khỏi suy thoái và tiếp tục diễn biến phức tạp. Kinh tế Việt Nam cũng đang gặp không ít khó khăn. Những yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô như lạm phát cao, thắt chặt tín dụng… tiếp tục tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

Theo dự báo, năm 2012 xuất khẩu vào thị trường EU sẽ khó khăn khi các Chính phủ và người dân Liên minh châu Âu đang thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng cắt giảm chi tiêu và đầu tư công, dẫn đến sức mua giảm, thị trường thu hẹp. Theo đó, chính sách bảo hộ mậu dịch, hạn chế nhập khẩu đang được áp dụng thông qua các rào cản thương mại tại các nước thành viên có thể gây trở ngại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

EU là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam (đứng thứ hai sau thị trường Hoa Kỳ), tại đây người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn hàng hóa do chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế của các quốc gia thành viên. Sản phẩm hàng hóa đều phải thể hiện tính cạnh tranh cao về chất lượng. Bên cạnh đó, những sản phẩm xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam như may mặc, da giày, nông sản... luôn phải cạnh tranh gay gắt với những sản phẩm tương tự đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan...

Năm 2012, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 13% vào thị trường EU so với năm 2011 là không quá cao, nhưng trong điều kiện hiện nay là một thách thức lớn. Để thực hiện tốt chỉ tiêu này, ngoài những chính sách nhằm khắc phục và tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đối với sản xuất trong nước, chúng ta cần tận dụng tối đa những lợi thế đã cam kết trong hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam - EU và các nước thành viên.

Trong khi vòng đàm phán Doha đang bế tắc, việc Việt Nam khởi động để tiến tới đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU là hướng đi đúng.

Ngoài việc tiếp cận một số thị trường lớn của Liên minh châu Âu như Đức, Pháp, Anh... chúng ta cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhiều hơn đối với những thị trường truyền thống (mà từ trước tới nay chúng ta chưa quan tâm đúng mức) là các nước thuộc khu vực Đông Âu đã gia nhập EU như Ba Lan, Bungari, Hungari, Rumani, Séc, Slovakia... nhằm đa dạng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Năm 2012, các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" tại các nước Eurozonecũng như EU sẽ tác động đến sức mua của thị trường khu vực này và nhu cầu nhập khẩu. Tuy nhiên, nhập khẩu giảm sẽ chỉ tập trung chủ yếu vào những mặt hàng như xe hơi, vật liệu xây dựng, đồ tiêu dùng xa xỉ, đồ điện và điện tử gia dụng... Còn nhu cầu đối với các sản phẩm thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm, quần áo, giày dép, cà phê, hàng thủy sản… vẫn duy trì, thậm chí tiếp tục tăng. Đây chính là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu sang khu vực này. Vì vậy, có thể dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Eurozone, tuy sẽ không tăng mạnh như năm 2011, nhưng cũng chưa bị ảnh hưởng trầm trọng bởi khủng hoảng và có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng 12-13%./.

Nguồn: Vinanet