Theo ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia: Trung Quốc đang chuyển sang điều chỉnh lại chính sách, nghĩa là không chỉ xuất khẩu mà còn tăng mức tiêu dùng trên thị trường trong nước. Nếu tăng tiêu dùng trong nước tức là Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều hơn, vì vậy đây chính là cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã có nhiều chính sách cởi mở nên cần tận dụng các cơ hội mới này cho việc đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc. Ông Trương Đình Tuyển cho biết, dưới sức ép của Mỹ và EU, Trung Quốc đang phải nâng giá đồng nhân dân tệ. Việc nâng giá đồng nhân dân tệ tạo ra 2 hướng, người xuất khẩu có lợi và nâng giá đồng nhân dân tệ thì không đi kèm là giảm nhập khẩu. Trung Quốc có nâng giá tiền thì hàng của Trung Quốc vẫn rẻ hơn nhiều so với châu Âu và châu Mỹ. Tuy nhiên, việc nâng giá đồng nhân dân tệ không có lợi trong nhập khẩu.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sau khi hội nhập kinh tế tế giới thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã mở "rộng cửa” hơn so với trước đây. Điều này phản ánh một tác động tích cực của hội nhập kinh tế quốc tế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Điển hình, nhóm hàng trung gian đang là nhóm hàng có số lượng xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Trung Quốc. Tỷ trọng nhóm hàng này vào Trung Quốc đã tăng 3,2 lần trong giai đoạn 2000-2008, tức là tăng từ 13,9% lên xấp xỉ 44,8% vào năm 2008. Trong một khuyến nghị về chính sách đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới, nhóm chuyên gia gồm những nhà kinh tế hàng đầu Việt Nam đều thống nhất quan điểm là khai thác mạnh các thị trường Nhật Bản, Ấn Độ và đặc biệt là trường Trung Quốc để cân bằng dần cán cân thương mại, giảm nhập siêu. Về dài hạn, đối với một thị trường lớn như Trung Quốc định hướng chính vẫn phải cạnh tranh về chất lượng sản phẩm khi mà hàng hóa của nước bạn có lợi thế về giá còn hàng Việt Nam lại có lợi thế "tương đối” về chất lượng. Đặc biệt, nên chọn những mặt hàng nông thủy sản mà thị trường này có nhu cầu cao. Song, để làm tốt khâu xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản sang Trung Quốc đòi hỏi trong nước phải xây dựng cơ chế điều tiết lượng hàng buôn bán qua biên giới để tránh bị ép giá. Vì thực tế, trong thời gian qua rất nhiều lần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải chịu thua thiệt, bị ép cấp, ép giá khi được vận chuyển dồn dập lên biên giới. Thậm chí, phía đối tác đã có những động thái gây ứ đọng hàng xuất khẩu của Việt Nam để giảm giá nhập khẩu, khiến cho hiệu quả xuất khẩu không cao. "Đảm bảo cho chất lượng hàng hóa xuất khẩu theo đường bộ biên giới cần đầu tư xây dựng và nâng cao cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu, như xây dựng kho hàng, bến bãi, khu chế biến để bảo quản hàng hóa, nâng cao chất lượng đường giao thông. Đây là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu theo đường bộ qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc một cách ổn định và lâu dài”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Nhận định về việc thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, theo ông Võ Chí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ: "Đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam có thể tổ chức cho các công ty lớn chuyên xuất khẩu vào thị trường này vì việc tổ chức cho các doanh nghiệp lớn thâm nhập thị trường là rất quan trọng. Chúng ta có thể ưu tiên sử dụng quỹ xúc tiến thương mại để hỗ trợ các DN khi vào thị trường này. Thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc cần được bổ sung bằng những chủ trương, chính sách mang tính đột phá, để khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhiều hơn vào thị trường này. Cùng với đó là tận dụng các cơ hội tốt từ ACFAT, thu hút FDI từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có chất lượng cao, tạo ra những kết nối sản xuất nội ngành và tái xuất”.

Nguồn: Tin tham khảo