Hiện doanh nghiệp Trung Quốc đang phải chịu thuế tới 40% nếu mua cao su thiên nhiên của Malaysia, 30% của Việt Nam, 26,5% của Campuchia, 20% của Lào, 14% của Myanmar và mức 10% với các nước khác.
Thuế nhập khẩu cao su thiên nhiên tại Trung Quốc, chiếm hơn 40% chi phí sản xuất lốp xe, đang ở mức bình quân 20%, khiến cho các nhà sản xuất lốp xe và sản phẩm cao su trở nên kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Gần đây, Hiệp hội Công nghiệp Cao su Trung Quốc đã đề nghị chính phủ bỏ thuế nhập khẩu cao su thiên nhiên để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội, ngành công nghiệp lốp xe đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải.
Một là, giá cao su thiên nhiên biến động quá mạnh. Năm 2011, giá cao su trên thị trường kỳ hạn nội địa có lúc lên tới 43.000 NDT/tấn, còn cao su giao ngay vượt 42.000 NDT/tấn (vào cuối tháng 2) – đúng thời điểm nhu cầu mạnh. Sang tháng 3 và tháng 4, giá tuy nhiên giảm nhanh xuống còn 35.000 NDT/tấn. Đến tháng 12, giá chỉ còn 26.500 NDT/tấn.
Sang năm 2012, giá cao su thiên nhiên tăng trở lại, từ mức 23.000 – 24.000 NDT/tấn từ đầu năm, lên mức quanh 27.000 NDT/tấn hiện tại.
Hai là, các công ty lốp xe ngày càng thua lỗ: Giá cao su thiên nhiêm chiếm tới 40% chi phí sản xuất, nhưng vì giá biến động quá nhanh, khiến cho các doanh nghiệp sản xuất lốp không thể kiểm soát được chi phí sản xuất, gây ra khó khăn về cạnh tranh.
Lợi nhuận của 45 doanh nghiệp lớn sụt giảm bình quân 16,2% do giá nguyên liệu cao. Số các doanh nghiệp lớn làm ăn thua lỗ đạt con số 11, tăng 92,25% so với năm trước đó.
Ba là, sự phụ thuộc vào nguồn cao su thiên nhiên nước ngoài tăng 80%:Trong vài năm qua, sản lượng cao su thiên nhiên của Trung Quốc chỉ đạt 60 triệu tấn, và năm ngoái đạt 70 triệu tấn, trong khi tiêu thụ vượt quá nhu cầu lên tới 3,2 triệu tấn. Giai đoạn từ 2008 – 2011, nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt lần lượt 1,68 triệu tấn; 1,71 triệu tấn; 1,86 triệu tấn và 2,1 triệu tấn, với mức tăng bình quân mỗi năm 10%.
Bốn là thuế nhập khẩu cao su thiên nhiên quá cao: Thuế nhập khẩu cao su thiên nhiên vào Trung Quốc từ năm 2010 tới nay ở mức 20%. Năm ngoái, tổng lượng cao su thiên nhiên nhập khẩu là 2,1 triệu tấn, kim ngạch 9,38 tỷ USD, giá bình quân như vậy là 4.467 USD/tấn, cộng thêm thuế vào, giá sẽ ở mức 5.610 USD/tấn – quá cao so với mức chưa đến 5.000 USD/tấn của các nước khác.
Năm là, mức thuế quan đối với khu vực ASEAN bất hợp lý: Trung Quốc áp dụng chính sách thuế suất mà các doanh nghiệp cho rằng quá bất hợp lý với các đối tác mà họ phải mua nhiều. Hiện doanh nghiệp lốp xe nước này đang phải chịu thuế nhập khẩu tới 40% nếu mua của Malaysia, 30% của Việt Nam, 26,5% của Campuchia, 20% của Lào, 14% của Myanmar và mức 10% đồng loạt với Thái Lan, Indonesia, Philllipine, Bruney và Singapore.
Hiệp hội Công nghiệp Cao su Trung Quốc cho rằng, những vấn đề trên đang tạo ra một bức tường ngăn cách cách công ty với thế giới và làm giảm nhu cầu hàng Trung Quốc trên thị trường. Ngoài ra, việc áp thuế cao có thể khiến cho các doanh nghiệp không muốn nhập khẩu theo đường chính ngạch, mà chuyển sang nhập lậu hoặc tiểu ngạch, cuối cùng mục tiêu thu thuế của nhà nước cũng không đạt được. Chính phủ nên có biện pháp để hỗ trợ ngành, trong đó việc bỏ thuế là cấp thiết nhất.
Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2011, Trung Quốc nhập của Việt Nam 501.571 tấn cao su, trị giá gần 1,938 tỷ USD, chiếm tới 60% trong tổng số 816.577 tấn và kim ngạch 3,234 tỷ USD sang tất cả các thị trường.
Trong hai tháng đầu năm 2012, lượng cao su xuất sang thị trường này đạt 88.518 tấn, trị giá 218,59 triệu USD, tiếp tục chiếm phần lớn trong tổng số 158.394 tấn và kim ngạch 443,81 triệu USD của toàn ngành. Những ngày đầu tháng 3, lượng cao su xuất khẩu có dấu hiệu tăng và đạt giá cao nhất kể từ cuối năm ngoái, quanh mức 4.000 USD/tấn loại SVR L.
Nếu Trung Quốc bỏ thuế nhập khẩu đối với cao su thiên nhiên thì đây sẽ là cơ hội vô cùng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta.