Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong khi các thị trường lớn khác lại sụt giảm cả về lượng và giá trị. Điều này có đáng lo ngại?
Trung Quốc nhập gạo Việt Nam tăng gấp 5 lần
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy: Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10 ước đạt 681 nghìn tấn với trị giá 323 triệu USD. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu 10 tháng đầu năm dự kiến đạt 6,9 triệu tấn với giá trị 3,14 tỷ USD, tăng 8,3% về lượng nhưng giảm 8,7% về giá trị so cùng kỳ năm trước.
Giá gạo tiếp tục có xu hướng giảm so với đầu năm. Giá xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm đạt 452 USD/tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền với bà con nông dân và các công ty thương mại, tuyệt đối không pha trộn các loại gạo hay các chất khác vào gạo theo yêu cầu của phía khách hàng Trung Quốc, để bảo vệ thương hiệu và giữ uy tín gạo Việt Nam. Chú trọng tới những thị trường nhỏ lẻ, nơi khả năng tự cung còn thấp mà giá nội địa lại cao. Xây dựng mối quan hệ bền vững kể cả với những khách hàng nhỏ nhưng có tiềm năng, để tránh phụ thuộc nhiều vào một số ít thị trường lớn.Điều đáng chú ý là thị trường xuất khẩu gạo năm nay có nhiều thay đổi. Trong đó, thị trường Trung Quốc tăng mạnh, gấp 6 lần về lượng và 5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Như vậy Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, nhiều thị trường lớn khác lại sụt giảm cả về lượng và giá trị như Philippines, Indonesia, và Singapore.
Lí giải việc Trung Quốc vươn lên vị trí số 1 trong việc nhập khẩu gạo Việt Nam, phía Trung Quốc cho biết họ mua nhiều bởi giá trên thị trường thế giới rẻ. Nhưng một số nguồn tin cho rằng thực tế là Trung Quốc đang cần nhiều gạo và nguồn cung trong nước không đủ.
Nhưng ông Nguyễn Đình Bích, nguyên chuyên gia lúa gạo của Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Việc Trung Quốc mua nhiều gạo của Việt Nam là do giá lúa gạo trong nước của họ tăng rất mạnh trong năm 2012. Cụ thể là giá mua lúa của nông dân nội địa mà Nhà nước Trung Quốc quy định đã tăng từ 7-19% so với năm 2011. Cho nên không phải do thiếu nguồn cung mà Trung Quốc phải tăng cường nhập khẩu gạo của Việt Nam mà vì giá gạo của Việt Nam rẻ hơn. Ngoài ra, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của Trung Quốc năm nay vẫn tăng khoảng 3,7%.
"Không phải là vấn đề đáng lo ngại"
Trước việc Trung Quốc thành nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, các cơ quan chức năng phụ trách ngành lúa gạo và các nhà kinh doanh mặt hàng này phải hết sức thận trọng với khách hàng Trung Quốc trong khi giao dịch, nhất là khâu thanh toán và mở rộng sản xuất những loại gạo phía Trung Quốc hỏi mua, tránh bị thiệt thòi.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích cho rằng việc Trung Quốc nhập khẩu gạo với số lượng lớn của Việt Nam không phải là vấn đề đáng lo ngại. Bởi vì Nhà nước đã có chính sách mở cửa thị trường, thị trường nào có nhu cầu thì chúng ta xuất khẩu. Ngoài ra, Trung Quốc không chỉ nhập của Việt Nam mà còn nhập gạo của Ấn Độ, Pakistan...
Trước băn khoăn liệu có tình trạng xuất khẩu nhiều gạo với giá rẻ cho Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Bích nhận xét: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tính đến thời điểm hiện nay là 426 USD/tấn, trong khi giá gạo xuất khẩu sang Philippines cũng chỉ ở mức 427 USD/tấn. Tất nhiên giá gạo có sự khác nhau giữa các chủng loại gạo nhưng giá xuất khẩu bình quân sang Trung quốc vẫn là 426 USD/tấn. Cứ đà này việc xuất khẩu được 2 triệu tấn gạo sang Trung Quốc, nhiều gấp 6 lần so với năm trước là khả thi.