Ngày 9-8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về việc tiêu thụ lúa cho nông dân.
Theo thống kê của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, từ nay đến cuối năm, sản lượng lúa hàng hóa cần tiêu thụ toàn vùng còn khoảng 4 triệu tấn. Trong đó nhiều nhất là An Giang với 1,4 triệu tấn; các tỉnh khác như: Kiên Giang 500.000 tấn, Đồng Tháp 400.000 tấn, Sóc Trăng 380.000 tấn, Hậu Giang 300.000 tấn, Vĩnh Long 270.000 tấn, Tiền Giang 260.000 tấn...
Khối lượng tồn đọng lớn như vậy đã khiến giá lúa trong khu vực xuống thấp nhất trong năm qua - dao động 4.000-4.200 đồng/kg. Một số nơi ở Sóc Trăng, Tiền Giang, Vĩnh Long, giá lúa chỉ 3.000-3.500 đồng. Trong khi đó, khi cơn sốt gạo thế giới lên đỉnh điểm, giá lúa được đẩy lên 6.000 đồng/kg.
Ông Võ Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, đợt sốt gạo vừa qua, có doanh nghiệp thu mua gạo lãi hàng trăm tỷ đồng, nhưng lãi của nông dân hầu như là con số 0. Khi nông dân không bán được lúa, thì doanh nghiệp cũng không chịu mua. Họ lo ngại lãi suất ngân hàng cao, nếu mua gạo dự trữ để xuất khẩu thì sẽ lỗ.
Theo Tổng Công ty Lương thực miền Nam, thị trường thế giới hiện nay rất bất lợi bởi sau khủng hoảng lương thực, các nước đồng loạt tích trữ gạo. Bởi vậy, nếu ta xuất khẩu vào thời điểm này chắc chắn sẽ bị ép giá, có khi chỉ được dưới 500 USD/tấn.
Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc Trần Bá Hoan, muốn mua lúa trong dân thì phải vay được tiền ngân hàng, nhưng ngân hàng ra điều kiện muốn vay phải có hợp đồng xuất khẩu, trong khi hiện nay chưa có hợp đồng mới, thành ra đã khó lại cứ rơi vào vòng luẩn quẩn: tiền không có mua gạo cho dân, muốn có tiền phải có hợp đồng xuất khẩu, trong khi xuất khẩu không được giá.
Đứng trước những khó khăn trên, đại diện các tỉnh đồng loạt đề nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Trong đó, như không đánh thuế xuất khẩu gạo, có cơ chế cho vay ưu đãi để doanh nghiệp mạnh dạn mua lúa của nông dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, còn đề nghị Chính phủ nên chỉ đạo thành lập quỹ bình ổn lương thực nhằm giảm bớt khó khăn cho nông dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị để đảm bảo nông dân có lời từ 40% trở lên như chỉ đạo của Thủ tướng, cần công bố giá sàn thu mua lúa là 5.000 đồng/kg. Bởi giá lúa thấp, nông dân đang chịu áp lực rất lớn về trả lãi vay mua vật tư, phân bón với mức lãi suất 3%/tháng.
Bảo đảm đủ vốn mua gạo với mức lãi 19,5%/năm
Trước những khó khăn của nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cam kết ngoài việc bảo đảm đủ vốn cho doanh nghiệp vay để thu mua hết lúa cho nông dân, sẽ chỉ đạo tất cả ngân hàng thương mại thành viên áp dụng lãi suất cho vay ở mức thấp nhất là 19,5%/năm. Ngày 11-8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ ký văn bản yêu cầu ngân hàng cho vay mua lúa mà không cần phải trình hợp đồng xuất khẩu gạo.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, nếu khó khăn chưa thực sự cấp bách thì bà con nông dân nên tích trữ, chưa vội bán lúa vào dịp này. Nếu thiếu vốn thì ngân hàng đã cam kết cho vay. Bởi nhu cầu gạo thế giới chắc chắn còn tiếp tục tăng cao, giá lương thực vì thế có thể lên, trong khi lúa gạo có thể tích trữ được.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương ĐBSCL phải chỉ đạo sâu sát việc thu mua lúa trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với nông dân; đồng thời chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ trong sản xuất và phòng chống dịch bệnh nhằm đảm bảo mục tiêu xuất khẩu. Trước những khó khăn của nông dân, Phó Thủ tướng giải thích thêm, việc đánh thuế xuất khẩu gạo là cần thiết nhằm trích một phần lợi nhuận của doanh nghiệp để quay trở lại đầu tư cho nông nghiệp, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên, bảo đảm phát triển bền vững.
Trước đề nghị thiết lập giá sàn thu mua lúa, Phó Thủ tướng cho biết, trước kia Việt Nam đã áp dụng giá sàn, nhưng không hiệu quả, nông dân không được hưởng lợi. Hơn nữa, rất khó áp dụng chung một mức giá bởi chất lượng và giá lúa ở từng tỉnh là khác nhau. Trong khi đó, giá cả cũng có những biến động nhất định theo từng thời điểm, nếu áp dụng giá sàn thì sẽ chưa thật bền vững.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng khẳng định, Chính phủ sẽ sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế chia sẻ lợi nhuận giữa nông dân và doanh nghiệp khi có biến động giá tiến tới xóa bỏ dần tình trạng giá cao, nông dân phá bỏ hợp đồng với doanh nghiệp; ngược lại, khi giá thấp doanh nghiệp phá hợp đồng bỏ mặc nông dân. Từ đó có cơ chế chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm từ hai phía nông dân và doanh nghiệp, trong đó Chính phủ sẽ giữ vai trò điều phối chung. 
Tại ĐBSCL, 2 ngày qua, các công ty lương thực đã tập trung thu mua gạo nguyên liệu. Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, cho biết: trong một tuần phải thu mua được 10.000 tấn gạo nguyên liệu, với giá hiện nay 5.900-6.100 đồng/kg. Chậm nhất đến cuối tháng 8, phải đạt 40.000 tấn gạo nguyên liệu. Hiện tại, hệ thống kho của công ty đã nhập vào hơn 40.000 tấn gạo nguyên liệu và 5.100 tấn lúa. Công ty Lương thực Sông Hậu tại Cần Thơ, cho biết: Hiện đang tăng cường thu mua gạo nguyên liệu vào, để đạt 40.000 tấn vào tháng 9. 
 

Nguồn: Vinanet