(VINANET)

Theo số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam, hai tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu 102,3 nghìn tấn quặng và khoáng sản, trị giá 24,8 triệu USD, giảm 65,5% về lượng nhưng tăng 34,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất khẩu mặt hàng này trong hai tháng đầu năm nay thiếu vắng thị trường Ấn Độ, Malaysia, Xingapo, Thái Lan và Trung Quốc so với năm 2011.

Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu quặng và khoáng sản sang thị trường Nhật Bản là chủ yếu – và là thị trường có lượng xuất cao nhất, đạt trên 4 nghìn tấn, chiếm 3,9% tỷ trọng, trị giá trên 2 triệu USD, tăng 350,5% về lượng và tăng 20% về trị giá so với cùng kỳ năm 2011.

Đứng thứ hai sau thị trường Nhật Bản là Hàn Quốc. Hai tháng năm 2012 Việt Nam đã xuất khẩu 390 tấn quặng và khoáng sản sang Hàn Quốc, trị giá 358 nghìn USD…

Thị trường xuất khẩu quặng&khoáng sản hai tháng năm 2012

ĐVT: Lượng (tấn); Trị giá (USD)

 

KNXK T2/2012

 

KNXK 2T/2012

 

lượng

trị giá

lượng

trị giá

Tổng KN

90.331

19.431.245

102.373

24.829.640

Nhật Bản

60

475.200

4.028

2.073.780

Hàn Quốc

330

208.000

390

358.000

Đài Loan

192

507.620

192

507.620

Indonesia

25

68.750

25

68.750

Để nâng cao chất lượng khoáng sản xuất khẩu, mới đây trong dự thảo thông tư về nhập khẩu khoáng sản do Bộ Công thương công bố ngày 4/4, thì từ ngày 1/7, khoáng sản phải đạt tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn hiện hành mới được xuất khẩu. Đồng thời, Dự thảo này liệt kê 10 loại khoáng sản được xuất khẩu, thay vì 22 loại như hiện nay.

Dự thảo cũng quy định doanh nghiệp chế biến khoáng sản phải có giấy chứng nhận đầu tư nhà máy chế biến và có hợp đồng mua khoáng sản để chế biến thì mới được xuất khẩu khoáng sản.

Ngoài việc nâng cao chất lượng khoáng sản xuất khẩu, thì Việt Nam cũng sẽ giảm xuất khẩu khoáng sản thô.

Việt Nam có lợi thế về tài nguyên, khoáng sản nhưng cần tăng sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao để tăng giá trị xuất khẩu.

Vụ Xuất - Nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, để hoạt động XNK hàng hóa có hiệu quả cao, cần bám sát quan điểm: Phát triển sản xuất để tăng nhanh xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu trong nước. Đồng thời, xây dựng, củng cố các đối tác hợp tác chiến lược để phát triển thị trường; kết hợp hài hòa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của quốc gia, lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị- đối ngoại, chủ động và độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế; Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu.

Theo Vụ XNK Bộ Công Thương sẽ xây dựng lộ trình giảm dần xuất khẩu khoáng sản thô, đầu tư công nghệ để tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng các cơ hội thuận lợi về giá cả để tăng giá trị xuất khẩu.

Về đánh giá tài nguyên khoáng sản Việt Nam trong bối cảnh khoáng sản thế giới, tại Hội thảo thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Vinh-Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng: Để có chiến lược về chính sách sử dụng tiết kiệm hợp lý nhất tài nguyên khoáng sản, cần nhìn nhận và đánh giá tài nguyên khoáng sản của nước ta trong bối cảnh khoáng sản thế giới.

Việt Nam Nước ta có tới 40 chủng loại từ khoáng sản năng lượng (dầu khí, than, urani, địa nhiệt), khoáng sản không phải kim loại, vật liệu xây dựng đến khoáng sản kim loại. Nhưng không giàu về tài nguyên khoáng sản vì hầu hết các khoáng sản ở Việt Nam có trữ lượng không lớn, lại phân bổ tản mát thiếu tập trung.

Chẳng hạn loại khoáng sản năng lượng như dầu khí, nếu không phát hiện thêm trữ lượng thì với sản lượng khai thác như hiện nay chỉ vài ba chục năm nữa sẽ hết nguồn khai thác. Còn than ở đất liền cũng đã cạn kiệt dần, đang và sẽ phải nhập khẩu mới bảo đảm được nhu cầu tiêu thụ trong nước. Nguồn than nằm dưới sâu đồng bằng sông Hồng có trữ lượng lớn tới vài trăm tỷ tấn, nhưng vấn đề công nghệ trong khai thác rất phức tạp chưa giải quyết được, nếu khai thác sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường và an sinh xã hội, trong khi tiềm năng urani và địa nhiệt của nước ta không đáng kể.

Về loại khoáng sản không kim loại và vật liệu xây dựng tuy có nhiều nhưng chỉ sử dụng trong nước, do không có giá trị kinh tế cao và trên thế giới nhu cầu về loại khoáng sản này không nhiều. Loại khoáng sản kim loại như vàng, bạc, đồng, chì, kẽm...của nước ta có rất ít, không đáp ứng được các nhu cầu trong nước trong thời gian tới. Những loại khoáng sản quý này trên thế giới cũng đang cạn kiệt dần.

Tuy vậy, Việt Nam cũng có 3 loại khoáng sản có trữ lượng lớn là bauxit, đất hiếm và quặng titan, song trên thế giới cũng có trữ lượng dồi dào và phải hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm vẫn chưa dùng hết. Cụ thể như bauxit trên thế giới có 55 tỷ tấn, Việt Nam có hơn 6 tỷ tấn; mỗi năm cả thế giới chỉ cần 200 triệu tấn, như vậy phải 275 năm nữa mới khai thác hết.

Đất hiếm trên thế giới có 150 triệu tấn, Việt Nam có hơn 10 triệu tấn, mỗi năm cần 135.000 tấn. Do đó phải hơn 100 năm nữa mới khai thác hết. Gần đây, Nhật Bản phát hiện ở đáy Thái Bình Dương có khoảng 100 tỷ tấn đất hiếm, nếu vậy thì hàng nghìn năm nữa thế giới vẫn không lo thiếu thứ khoáng sản này.

Quặng titan trên thế giới có khoảng 2 tỷ tấn, Việt Nam dự báo có khoảng 600 triệu tấn. Hàng năm cả thế giới chỉ cần hơn 6 triệu tấn nên phải hàng trăm năm nữa mới hết. Gần đây Paraguay phát hiện khoảng 20 tỷ tấn, cho nên hàng nghìn năm nữa thế giới vẫn không lo thiếu quặng ti tan.

Qua đó, Việt Nam cần sớm có một chiến lược về chính sách sử dụng tiết kiệm hợp lý nhất tài nguyên khoáng sản của đất nước, để bảo đảm phát triển bền vững và bảo vệ hiệu quả môi trường, an sinh xã hội. Trước mắt, phải giảm thiểu tiến tới xóa bỏ tình trạng xuất khẩu thô tiểu ngạch các loại khoáng sản đồng, chì, kẽm, antimon... dẫn đến cạn kiệt tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Ngoài việc nghiêm chỉnh chấp hành Luật Khoáng sản sửa đổi thực thi từ ngày 1/7/2011, các Bộ, ngành chức năng và địa phương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt việc cấp giấy phép khai thác mỏ mới. Thậm chí cần hạn chế và tiến tới cấm khai thác xuất khẩu loại khoáng sản Việt Nam không có nhiều, như khoáng sản kim loại để dành cho tiêu thụ trong nước.
Nhằm đảm bảo nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước, Chính phủ rà soát tổng thể lại các quy hoạch đối với từng loại khoáng sản; có kế hoạch khai thác, sử dụng khoáng sản hợp lý phục vụ cho phát triển đất nước trước mắt và lâu dài, tránh tình trạng khai thác tràn lan, xuất khẩu khoáng sản thô không qua chế biến... làm lãng phí tài nguyên và gây mất an ninh trật tự xã hội.

 

Nguồn: Vinanet