Hiện nay, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới xuất khẩu trái vú sữa.

Các nước khác như: Cambodia, Philippines, Ấn Độ, Thái Lan, bang Northem Temtory (Australia)… vẫn có trồng cây vú sữa nhưng họ không chọn làm hàng hóa để xuất khẩu mà chỉ tiêu thụ nội địa.

Vú sữa là cây ăn quả vùng nhiệt đới, có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Mỹ, được tiếp nhận, lai giống qua nhiều quốc gia từ hàng trăm năm trước. Riêng tại châu Á, cây vú sữa không biết đầu tiên đã được trồng ở nước nào, chỉ biết rằng tại Việt Nam, cây vú sữa được trồng nhiều ở miền Nam, nhất là ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau... và nhiều tỉnh thành ở miền Trung, miền Bắc. Trong đó Tiền Giang là tỉnh trồng nhiều nhất, chỉ tính riêng ở huyện Châu Thành đã có diện tích cây trồng là 2.300 ha. Dự kiến đến năm 2015, toàn tỉnh Tiền Giang sẽ có 5.000 ha đất trồng cây vú sữa.

Cây vú sữa có tên khoa học là Chrysophyllum cainino. L, thuộc họ Hồng xiêm (Sapotaceae). Đây là loại cây trồng lên nhanh, thân dẽo, tán lá rộng, chiều cao lên tới từ 10 - 15 mét. Trái vú sữa to khoảng một nắm tay, da màu xanh, khi chín chuyển sang màu hồng nhạt, ăn rất ngon.

Cây vú sữa Việt Nam hiện có rất nhiều giống: vú sữa Lò Rèn, vú sữa nâu tím, vú sữa vàng… Nhưng đặc biệt, giống vú sữa Lò Rèn được trồng nhiều nhất vì trái vú sữa Lò Rèn vỏ mỏng nhưng sáng bóng rất đẹp, thịt trái nhiều, hương vị thơm ngọt, nhiều chất dinh dưỡng, được mọi người ưa chuộng.

Không riêng gì ở Tiền Giang mà tại tỉnh Đồng Tháp, mới đây, giống vú sữa Hồng đào bơ, hay Bơ cơm vàng ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành cho năng suất cao và chất lượng cũng không kém gì vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Toàn xã Tân Phú Trung hiện có trên 100 ha diện tích đất trồng vú sữa Bơ cơm vàng. Còn ở tỉnh Bến Tre, giống vú sữa Bơ hồng do ông Ba Long ở xã Tân Định, huyện Chợ Lách phát hiện đem về nhân giống cũng có chất lượng thơm ngọt, ngon được Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam và người tiêu dùng đánh giá cao.

Người ta trồng vú sữa bằng cách chiết nhánh hoặc tháp cây. Nếu được chăm bón cẩn thận thì chỉ cần 3 năm sau có thể thu hoạch được. Cây vú sữa khi đậu trái đến khi thu hoạch mất khoảng thời gian từ 180 - 200 ngày. Mùa thu hoạch vú sữa từ tháng 2 - 3 dương lịch hàng năm.

Vú sữa là loại trái cây được người Việt Nam chọn làm món ăn từ hàng trăm năm trước, trong khi đó, nhiều nước khác có trồng, nhưng hình như người dân nước họ "không biết” ăn loại trái cây này. Những năm gần đây, để xuất khẩu ra nước ngoài, vú sữa Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn GlobalGap (tức là tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Điều này đã được Hợp tác xã Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) thực hiện thành công nhiều năm trước ở 55 ha đất trồng vú sữa, cho năng suất 400 tấn/năm. Hàng năm, HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim xuất khẩu sang các nước Anh, Canada một số lượng vú sữa trên 10 tấn. Các quốc gia trên thế giới đánh giá rất cao chất lượng của trái vú sữa Lò Rèn ở Việt Nam.

Ngoài hai nước Anh, Canada, HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim còn xuất sang hai nước Nga và Đức 50 tấn vú sữa trong năm 2012. Cùng với vú sữa lò Rèn, hai loại vú sữa Bơ cơm vàng (Đồng Tháp) và Bơ hồng (Bến Tre) cũng đang được xuất khẩu ra nước ngoài.

Ngoài châu Âu, các đơn vị xuất khẩu trái cây ở Nam bộ đang mở rộng việc xuất khẩu trái vú sữa sang nhiều nước ở châu Á, châu Mỹ…

Hiện nay, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới xuất khẩu trái vú sữa. Các nước khác như: Cambodia, Philippines, Ấn Độ, Thái Lan, bang Northem Temtory (Australia)… vẫn có trồng cây vú sữa nhưng họ không chọn làm hàng hóa để xuất khẩu mà chỉ tiêu thụ nội địa.

Do vậy, với mong muốn quảng bá hình ảnh và khẳng định giá trị của trái cây Việt Nam trên thế giới, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (VietKings)… đã chính thức đề xuất đến Tổ chức Kỷ lục châu Á và Tổ chức Kỷ lục Thế giới xác lập kỷ lục: 

" Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới xuất khẩu TRÁI VÚ SỮA ”

Đề xuất trên đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam hoàn chỉnh hồ sơ và thiết lập các thủ tục cần thiết gởi đến Tổ chức kỷ lục châu Á và Tổ chức Kỷ lục Thế giới xác lập.

(Nguồn: Kleverfruits/Tổ chức ký lục Việt Nam)