Số liệu thống kê vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 88 triệu USD, chứ không phải là nhập siêu 58 triệu USD như ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7/2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 127,01 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 63,55 tỷ USD, tăng 20,2%, còn nhập khẩu đạt 63,46 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Với kết quả này, cán cân thương mại của Việt Nam đang thặng dư - một điều hiếm gặp đối với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thiết bị, nguyên phụ liệu như Việt Nam.

Xuất siêu là yếu tố vô cùng quan trọng để Việt Nam ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, việc Việt Nam liên tục xuất siêu từ đầu năm đến nay là dấu hiệu cho thấy thời gian qua, sản xuất trong nước suy giảm. Cùng với đó, việc sau 7 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn xuất siêu có thể làm dấy lên lo ngại về chuyện sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.

Một nghiên cứu về “Kinh tế và tái cấu trúc kinh tế năm 2013: từ góc nhìn của doanh nghiệp lớp”, do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam vừa công bố cho thấy, khá nhiều doanh nghiệp tỏ ra bi quan về thời điểm phục hồi của nền kinh tế. Có tới 46% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, nền kinh tế chưa thể phục hồi trong năm 2013.

Lo ngại kinh tế chưa sớm phục hồi, sức mua của thị trường cả trong và ngoài nước yếu, đơn hàng giảm, khiến doanh nghiệp thận trọng hơn trong nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất.

Nguồn: Báo đầu tư