Tình hình xuất khẩu của một số ngành công nghiệp nhẹ tính đến tháng 4 năm 2012.

Cụ thể:

- Ngành Dệt may: các doanh nghiệp dệt may tiếp tục gặp khó khăn về lao động, vốn và đơn hàng (dù bước vào mùa cao điểm trong năm nhưng hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ có đơn hàng đến quý II, một số ít các doanh nghiệp ký được đơn hàng đến quý III hoặc đang đàm phán hợp đồng), cùng với đó các doanh nghiệp sợi gặp thêm khó khăn về nhập khẩu bông rơi chải kỹ do thuế suất tăng từ 0% lên 10%  khiến cho các doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm và giảm khả năng cạnh tranh trên chính thị trường nội địa.

Tuy nhiên, tính chung 4 tháng năm 2012 một số sản phẩm chính của ngành dệt may vẫn đạt tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể: sản phẩm vải dệt từ sợi bông tăng 18,5%, vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 2,1% (trong đó vải của Tập đoàn Dệt may Việt Nam tăng 39,8%), quần áo cho người lớn tăng 9,4% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 4.412 triệu USD tăng 14,7% so với cùng kỳ. Nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may về cơ bản giảm cả lượng và trị giá, trong đó bông giảm 35,7% về trị giá, giảm 10,2% về lượng; sợi các loại giảm 19,0% về trị giá, giảm 4,8% về lượng ; vải giảm 6,8% so với cùng kỳ.

- Ngành Da giầy: 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 1.971 triệu USD tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2011. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn về đơn hàng xuất khẩu (chỉ một số ít doanh nghiệp ký được đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành còn gặp phải khó khăn do sự thay đổi về chính sách nhập khẩu, cách thức mua hàng, yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp…, của các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật.... Vì vậy, sản lượng sản xuất sản phẩm giầy thể thao 4 tháng đầu năm ước đạt 99,9 triệu đôi, giảm 3,9%, sản phẩm giầy dép, ủng giả daước đạt 18,6triệu đôi, tăng 18,5% so với cùng kỳ.  

- Ngành Giấy: sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục giảm, sản phẩm giấy bìa các loại 4tháng ước đạt 596,2nghìn tấn, giảm 1,3% (trong đó: Tổng công ty Giấy Việt Nam tăng 1,1%) so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục phải đối mặt với sự biến động bất lợivềgiá cả vật tư, nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào như: gỗ, bột giấy, hoá chất,… Bên cạnh đó, ngành giấy trong nước còn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm giấy nhập khẩu.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm định mức các yếu tố đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất, tăng tỷ lệ sử dụng gỗ nguyên liệu trong nước, mở rộng, phát triển trồng rừng nguyên liệu giấy để tạo nền tảng vững chắc cho sản xuất, đồng thời tập trung hơn nữa vào công tác thị trường, mở rộng hệ thống phân phối tránh tập trung sản phẩm vào một số đại lý lớn.

- Ngành Thuốc lá: 4 tháng sản lượngsản xuất thuốc lá bao các loại ước đạt 1.786,8 triệu bao, tăng 1,7% so với cùng kỳ. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành vẫn gặp nhiều khó khăn do giá cả các yếu tố đầu vào tăng. Tuy nhiên, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã tập trung phát triển theo hướng tạo sự chuyển biến về chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả, chất lượng sản phẩm, cắt giảm các chi phí không hợp lý, tăng cường sử dụng nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng sản xuất trong nước vì vậy sản xuất sản phẩm của Tổng công ty đạt mức tăng trưởng khá, cụ thể: tháng 4, ước sản lượng sản xuất thuốc lá bao các loại ước đạt 321,8 triệu bao, tăng 8,8% so với tháng 3 và tăng 15,4% so với tháng 4/2011. Tính chung 4 tháng ước đạt 1.104,6 triệu bao, tăng 7,0% so với cùng kỳ.

Để phát triển bền vững, ngành thuốc lá cần tiếp tục tiến hành một số biện pháp như: ổn định chất lượng sản phẩm, tổ chức củng cố lại hệ thống phân phối, tạo tỷ lệ hoa hồng hợp lý cho các đại lý nhằm tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm khi thị trường thuốc lá cạnh tranh về giá đang chuyển dần sang cạnh tranh về thương hiệu.

- Ngành Bia, rượu, nước giải khát: tháng 4, lượng tiêu thụ sản phẩm của ngành giảm nênsản lượng sản xuất bia các loại 4 tháng ước đạt 709,6 triệu lít, giảm 1,0% so với cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm bia thương hiệu Sài Gòn ước đạt 221,6 triệu lít, giảm 0,4%, sản phẩm bia thương hiệu Hà Nội ước đạt 87,8 triệu lít, giảm 1,4%.  

Hiện nay, do thời tiết đã bắt đầu vào mùa hè, nhu cầu tiêu thụ được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới, do vậy các doanh nghiệp đang tích cực đẩy mạnh sản xuất và tiếp thị để tăng cường đưa sản phẩm ra thị trường.

- Ngành sữa:tháng 4, sản xuất có mức tăng trưởng khá, tính chung 4 tháng sản lượng sữa bột ước đạt 25,0 nghìn tấn, tăng 20,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá sữa trong nước điều chỉnh tăng liên tục do chi phí đầu vào sản xuất cao (giá mua sữa tươi từ nông dân, chi phí nhân công, các chi phí khác...) Bên cạnh đó, giá các sản phẩm sữa nhập ngoại cũng tăng khá cao khiến cho thị trường sữa khá trầm lắng, sức mua giảm, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sử dụng sữa nội với giá rẻ hơn từ 10-15% so với sản phẩm nhập ngoại cùng loại.

- Các ngành khác chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng năm 2012 giảm nhẹ so với cùng kỳ.

 

Nguồn: Vinanet