Đức là nước NK cá tra lớn thứ 3 trong khối EU trong năm 2013, nhưng sang đến năm 2014 Đức đã tụt xuống vị trí thứ 4. Kể từ năm 2010 đến nay, NK cá tra vào Đức đã sụt giảm nhiều. Bên cạnh đó, theo Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu (CBI) của Hà Lan, nhận thức của người tiêu dùng tại thị trường Đức đối với sản phẩm cá tra cũng không được tốt.

Tuy nhiên, khi sản phẩm cá tra đạt chứng nhận ASC thâm nhập nhiều hơn vào thị trường này đã phần nào cải thiện hơn hình ảnh cá tra đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, Việt Nam cần quảng bá và đẩy mạnh hơn nữa sản phẩm cá tra đạt chứng nhận có chất lượng tốt đến với người tiêu dùng.

Cá tra phile đông lạnh hiện chiếm 95% tổng khối lượng và giá trị tiêu thụ tại thị trường Đức. Cá tra cạnh tranh với một số sản phẩm cá đông lạnh khác như cá minh thái Alaska. Cá tra dạng tươi sống cạnh tranh với các sản phẩm tươi sống như cá tuyết lục saithe và cá tuyết cod.

Cá tra NK vào Đức phải tuân thủ đúng nội dung ghi nhãn của thị trường này. Theo đó, nội dung ghi nhãn phải được cung cấp bằng tiếng Đức. Khi NK các sản phẩm thủy sản khai thác và nuôi nói chung và cá tra nói riêng vào EU, các thông tin sau đây phải được ghi trên nhãn hoặc bao bì của sản phẩm, hoặc có tài liệu kèm theo sản phẩm như tên khoa học và thương mại, phương pháp sản xuất ghi rõ là cá nuôi đối với cá tra, chứng nhận xuất xứ, trọng lượng thực, hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng....

Theo Eurostat, NK philê cá tra vào Đức giảm từ 69 triệu euro trong năm 2010 xuống còn 35 triệu euro trong năm 2013. Trong 2 tháng đầu năm 2014, kim ngạch XK cá tra Việt nam sang Đức tiếp tục giảm 22% so với cùng kỳ năm 2013. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, XK cá tra sang Đức trong năm 2014 đạt giá trị 39,76 triệu USD, giảm gần 12% so với năm 2013.

Trong năm 2012 và năm 2013, NK trực tiếp cá tra từ Việt Nam vào Đức chiếm trên 85-90% tổng cá tra NK của thị trường này. Một số công ty Hà Lan đã tái XK cá tra sang thị trường Đức. Dự kiến trong năm 2014, cá tra Việt Nam XK sang Đức vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng chi phối như các năm trước đó.

Trong năm 2013, Đức NK 19.400 tấn cá tra philê đông lạnh, trong đó 95% là sản phẩm phile đông lạnh còn lại là sản phẩm philê tươi. Khối lượng cá tra NK vào Đức đã giảm gần 50% so với khối lượng cá tra NK trong năm 2010.

Giá trung bình NK cá tra philê đông lạnh vào Đức trong năm 2013 là 1,92 euro/kg, giảm 14% so với mức 2,24 euro/kg của năm 2012. Nguồn cung cá thịt trắng tăng phần nào làm cho giá cá tra tại thị trường này sụt giảm. Giá trung bình NK cá tra philê đông lạnh của Đức cao hơn so với một số thị trường NK cá tra lớn khác tại EU. Tuy nhiên, mức giá trung bình NK của Đức vẫn thấp hơn so với mức giá trung bình của Anh và Hà Lan (tương ứng là 2,29 euro/kg và 2,03 euro/kg). Trong năm 2012, mức giá trung bình của một số thị trường khác lại thấp hơn so với mức giá của Đức như Italia là 1,70 euro/kg, Tây Ban Nha là 1,68 euro/kg, Ba Lan là 1,40 euro/kg.

Năm 2013, Đức tái XK philê cá tra đông lạnh với giá trị 10,6 triệu euro, giảm 26% so với năm 2012. Đức tái XK philê cá tra đông lạnh sang các thị trường, trong đó có một số thị trường lớn như Bỉ (2,1 triệu euro), Áo (2,1 triệu euro), Anh (1,9 triệu euro), Séc (1,6 triệu euro), và Hungary (1,1 triệu euro). Ngoài ra, Đức còn tái XK một khối lượng nhỏ sang các nước khác trong khối EU. Đức hiện được đánh giá là nước cung cấp chính philê cá tra đông lạnh cho các nước tại khu vực Trung và Đông, Châu Âu.

Nguồn: Vasep.com.vn