Sở dĩ xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam 4 tháng tăng được 2% là nhờ xuất khẩu vào các thị trường gần như Trung Quốc, các nước và vùng lãnh thổ khu vực Đông Nam Á, Đài Loan tăng, mức tăng bình quân khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, có thị trường tăng đến 200%.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ hàng dệt may xuất khẩu tối đa cũng chỉ đạt xấp xỉ năm ngoái, nhưng trong 6 tháng còn lại, các doanh nghiệp dệt may tiếp tục phấn đấu tìm thêm thị trường và đơn hàng mới để đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm 9,5 tỉ USD, tăng khoảng 5% so với mức xuất khẩu 9,1 tỉ USD trong năm 2008.
Qua 4 tháng đầu năm, công tác tìm kiếm thị trường mới được doanh nghiệp làm rất tốt. Để chứng minh điều này, có thể thấy trong lúc hai thị trường lớn nhất là Mỹ và châu Âu, vốn chiếm 70% thị phần xuất khẩu, đang bị giảm sút mạnh, các thị trường còn lại tuy nhỏ hơn nhưng lại tăng trong 4 tháng đầu năm.
Tỉ trọng xuất khẩu hàng dệt may giá thấp (mass production) đang có xu hướng tăng cao thời gian gần đây, chiếm từ 70 - 80% tỉ trọng mặt hàng xuất khẩu; trong khi đó, sức tiêu thụ hàng dệt may đắt tiền lại đang có xu hướng giảm khá nhiều.
Tuy nhiên cũng lưu ý các doanh nghiệp rằng, mặc dù nền kinh tế Mỹ bị suy giảm, nhưng vẫn được xác định là thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam.
Năm ngoái, Việt Nam xuất được 5 tỉ USD vào thị trường này, chiếm 56% tổng kim ngạch hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện có khoảng 65% trong tổng số 305 triệu người tiêu dùng hàng may mặc của Mỹ quay trở lại với các sản phẩm dệt may giá rẻ, bình dân.
 

Nguồn: Vinanet