Tính đến hết tháng 10-2013, dệt may tiếp tục đứng trong top 21 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Với tốc độ này, con số 19 tỷ USD năm nay, ngành dệt may có thể cán mốc 19 tỷ USD.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tháng 10, xuất khẩu dệt may đạt 1,75 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, các doanh nghiệp trong ngành đã xuất khẩu 14,83 tỷ USD sản phẩm dệt và may mặc, tăng 18,7%, xuất khẩu 1,749 tỷ USD xơ, sợi dệt các loại, tăng 14,6% so với cùng kỳ.

Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), xuất khẩu của ngành dệt may hiện đang khá tốt, kim ngạch tăng ở hầu hết các thị trường (Mỹ tăng 37%, Hàn Quốc tăng 68%, Nhật Bản tăng 35%... so với cùng kỳ).

Riêng với thị trường Trung Quốc, 10 tháng qua, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt trên 270 triệu USD, các mặt hàng xơ, sợi dệt các loại ước đạt gần 700 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam cũng nhập khẩu bông từ Trung Quốc với giá trị ước khoảng gần 7,5 triệu USD; xơ sợi dệt các loại ước trên 350 triệu USD; đặc biệt là mặt hàng vải các loại ước gần 3 tỷ USD.

“Với tốc độ tăng trưởng cao và luôn duy trì ở mức ổn định như hiện nay, đặc biệt là tình hình đơn hàng khả quan, dự kiến, năm 2013, ngành dệt may sẽ đạt khoảng 19 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, hoàn thành mục tiêu đã đề ra từ đầu năm”, ông Dũng nhìn nhận.

Hiện tại, một số doanh nghiệp trong ngành dệt may đã xây dựng lộ trình cũng như phương án sản xuất theo hướng FOB, ODM và chuẩn bị cho việc tham gia Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) thông qua việc từng bước đổi mới công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả quản trị, nhất là trong lĩnh vực dệt, nhuộm, hoàn tất và thiết kế.

Vinatex cũng đang gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, hoàn thành một số thủ tục để từ nay đến cuối năm và sang đầu năm 2014 khởi công một loạt dự án nhà máy sản xuất sợi, vải cho sản xuất áo sơ mi, vải len cao cấp dành cho xuất khẩu…

Cũng theo ông Dũng, chỉ số tồn kho của ngành trong tháng 10 cao đột biến, tăng 18,2% so với tháng trước. Tuy nhiên, chỉ số này không đáng lo ngại và vẫn trong ngưỡng an toàn bởi tháng 10 là thời điểm giao mùa, tiêu thụ có giảm, sang tháng 11 và 12, thời tiết có sự chuyển biến, lạnh hơn nên sức tiêu thụ cũng sẽ được phục hồi. Hơn nữa, tháng 10 cũng là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ cho các ngày lễ lớn nên chỉ số tồn kho tăng cao.

(HQ)

Nguồn: Hải quan Việt Nam