Cho dù xuất khẩu từ nay đến cuối năm không được cải thiện nhiều thì xuất khẩu dệt may năm 2015 vẫn có thể đạt mục tiêu đề ra là 27-27,5 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam trong 6 tháng năm 2015 tiếp tục tăng trưởng 2 con số, đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2014.

Thông tin về tình hình xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm, ông Trần Việt, Trưởng Ban Tổng hợp pháp chế (Vinatex) cho biết, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 2 con số, đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, thị trường xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất, chiếm 42% so với tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, ước đạt 5,18 tỷ USD (tăng 11,01% so với cùng kỳ năm 2014). Xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU ước đạt 1,45 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Đối với 2 thị trường châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, theo ông Trần Việt, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt lần lượt là 1,3 tỷ USD và 948 triệu USD. Tại 2 thị trường này, Việt Nam vẫn là nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ hai sau Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang tiếp tục mở rộng thị trường.

Riêng Vinatex, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,7 tỷ USD – tăng 10,7% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 612,6 triệu USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 24.241 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Với kết quả đó, lợi nhuận của Vinatex tăng 6% và thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn 6 triệu đồng/tháng, tăng 9% so với cùng kỳ.

Chia sẻ thêm về tình hình xuất khẩu của ngành, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho hay, mức tăng trưởng trên 10% của 6 tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm 2014 nhưng so với quý I thì kết quả vẫn khả quan hơn.

Do vậy, dù xuất khẩu từ nay đến cuối năm không được cải thiện nhiều thì xuất khẩu dệt may năm 2015 vẫn có thể đạt mục tiêu đề ra là 27-27,5 tỷ USD.

Nói về những cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU-FTA), ông Lê Tiến Trường cho biết, Việt Nam hiện đang đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu dệt may vào EEU với kim ngạch xuất khẩu trên 300 triệu USD (chỉ chiếm trên 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực này).

Tuy nhiên, điểm xuất phát tại Liên minh Kinh tế Á - Âu của ngành dệt may hoàn toàn giống với thị trường Mỹ khi chưa có Hiệp định Thương mại Việt Mỹ (BTA).

 “Bài học kinh nghiệm rút ra là nếu có hướng xử lý tốt thì dệt may Việt Nam sẽ nhanh chóng tăng kim ngạch tại thị trường này. Trong vòng 3 - 5 năm tới, dệt may Việt Nam có thể vươn lên đạt mức kim ngạch xuất khẩu tương đương với các đối thủ cạnh tranh như Bangladesh, Ấn Độ và nằm trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may vào EEU," ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Một số đơn vị thuộc Vinatex có kết quả sản xuất kinh doanh tốt trong 6 tháng qua là Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Tổng công ty CP May Việt Tiến, Tổng công ty CP Phong Phú, Tổng công ty May 10 - CTCP, Tổng công ty Đức Giang – CTCP, Tổng công ty May Hưng Yên – CTCP, Tổng CTCP Dệt may Hà Nội, Công ty TNH MTV Dệt kim Đông Xuân, CTCP Dệt may Huế…

Từ cuối tháng 1-2015, Vinatex chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần hóa. Hiện Tập đoàn chỉ còn 53% vốn nhà nước và Vinatex đang nộp hồ sơ lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam để tiến hành niêm yết. Đến thời điểm này Vinatex đã thoái xong hơn 90% lượng vốn cần thoái và có lãi trên 100 tỷ đồng.

Nguồn: baohaiquan.vn

Nguồn: Hải quan Việt Nam