Việc một số doanh nghiệp Việt Nam trễ hạn giao hàng, hoặc phá vỡ hợp đồng với khách nước ngoài trong thời gian vừa qua là có thực. Đầu tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa khách hàng nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành mong muốn tìm ra cách giải quyết thỏa đáng cho cả hai bên.

Tại buổi gặp gỡ này, các doanh nghiệp Việt Nam lý giải: việc chậm giao hàng theo hợp đồng và thương thảo lại mức giá cao hơn hợp đồng gốc trong năm nay với các khách hàng không phải là điều bất thường của doanh nghiệp Việt Nam, mà vì doanh nghiệp đang đối mặt với những chuyện “bất khả kháng”. Cụ thể, mùa vụ trễ và sụt giảm sản lượng so với năm trước do thời tiết thất thường, khiến giá nguyên liệu tăng cao. Những nhà cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp lớn không thể thực hiện hợp đồng như đã ký. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, chính sách vĩ mô của Nhà nước thay đổi đột ngột khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, như ngân hàng hạn chế cho vay và tăng lãi suất vay nên doanh nghiệp không có vốn thu mua nguyên liệu vào để chế biến. Đồng thời, do chi phí đầu vào tăng cao (tăng 40% so với năm 2007) ảnh hưởng từ giá nguyên liệu, nhân công, lãi suất... khiến cho các doanh nghiệp ký trước hợp đồng dài hạn với giá rẻ phải đối mặt với lỗ, buộc các doanh nghiệp này phải tính đến việc thương thảo lại với khách hàng mức giá mới, nếu không sẽ không thể giao hàng cho khách.

Về phía các nhà NK, không ít khách hàng tỏ ra hết sức bất bình cho rằng, phía doanh nghiệp Việt Nam không giữ chữ tín. Việc các công ty không thực hiện hợp đồng đã ký và đơn phương ép tái thương thảo hợp đồng nhằm tăng giá, khiến họ có cảm giác đang bị “tống tiền”. Đại diện Hiệp hội NK trái cây khô ở Hà Lan cho biết, các công ty mua bán, NK, đóng gói và rang hạt điều nước ngoài đang bị thiệt hại nghiêm trọng do vi phạm hợp đồng của các công ty XK hạt điều Việt Nam.

Thậm chí Hiệp hội Thương mại CENTA của Anh và AFI của Mỹ đang tiến hành các thủ tục pháp lý để đưa doanh nghiệp Việt Nam ra kiện ở Tòa án Thương mại quốc tế. Theo Vụ XNK Bộ Công Thương, nếu vụ việc này diễn ra thì chắc chắn các doanh nghiệp XK điều Việt Nam hoặc phải tham gia “hầu kiện” đến cùng bất kể thắng thua, hoặc sẽ phải chấp nhận “trả giá” cực đắt nếu là bị đơn vắng mặt.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, quan điểm của Hiệp hội là yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải giao hàng theo hợp đồng đã ký. Nếu doanh nghiệp có khó khăn thật sự làm ảnh hưởng đến thời hạn giao hàng thì phải chủ động trao đổi với người mua. Vì vậy, Hiệp hội tổ chức hội nghị khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh để hai bên hiểu nhau, nhất là về phía khách hàng nước ngoài có thể hiểu khó khăn doanh nghiệp XK điều Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, qua sự việc này cũng cho thấy, việc nắm bắt thông tin của các doanh nghiệp XK Việt Nam còn rất hạn chế. Rõ ràng ký kết hàng loạt các hợp đồng lớn chỉ tính đến nước tiến mà không chừa cho mình nước lùi là cực kỳ nguy hiểm. Lẽ ra các doanh nghiệp phải nắm được thông tin năng suất mùa vụ năm nay đạt mức cao nhất là bao nhiêu, thấp nhất ở mức nào, nhất là diễn biến giá cả trên thế giới đang có xu hướng tăng cao, qua đó mới đưa ra mức ký kết các hợp đồng nhằm đảm bảo sự an toàn tối thiểu cho hoạt động XK của mình.

(Bộ Công Thương)

 

Nguồn: Vinanet