Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố thì trong Quý I/2015, một trong những mặt hàng giảm mạnh nhất về kim ngạch xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ là gạo. Cụ thể là nếu như trong ba tháng đầu năm 2014, giá trị xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ là hơn 900 ngàn USD thì trong ba tháng đầu năm nay, con số này chỉ còn là 249 ngàn USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 72,28% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này thì có nhiều yếu tố, trong có thể kể tới từ việc sản xuất nông nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đã dần hồi phục sau một năm hạn hán. Theo số liệu được Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ TUIK công bố ngày 26/5 thì sản xuất ngũ cốc của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức xấp xỉ 38,4 triệu tấn. Bản báo cáo có ghi cụ thể: "Theo những ước tính đầu tiên của năm 2015 thì Ngũ cốc cùng các loại cây lương thực khác, Hoa quả và Rau củ đã tăng lần lượt 9,6%, 6,1% và 3,2% so với cùng kỳ năm 2014. Sản lượng Ngũ cốc cùng các loại cây lương thực khác, Rau củ và Hoa quả trong năm 2015 được dự kiến sẽ lần lượt đạt các mức sau: 65,3 triệu tấn; 29,5 triệu tấn và 18,2 triệu tấn. Mặt hàng Gạo sẽ tăng 10,8% so với năm 2014 và đạt mức 920 ngàn tấn".
Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến gạo Việt Nam khó thâm nhập thị trường là chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người Thổ Nhĩ Kỳ, thường gạo của Việt Nam có hạt nhỏ (1.000 hạt nặng trung bình 15g) trong khi người dân ở đây tiêu thụ loại gạo Baldo hoặc Osmanik có kích thước hạt lớn hơn (1.000 hạt nặng 25g) từ nguồn sản xuất nội địa hoặc nhập chủ yếu từ Hoa Kỳ. Mặt hàng gạo thơm hạt dài cũng được nhập khẩu nhưng với số lượng không lớn so với những loại gạo tương tự như gạo được trồng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếp theo phải kể đến việc đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá mạnh so với đồng đô-la Mỹ, hơn 10% từ đầu năm 2015 trong khi đồng Việt Nam chỉ điều chỉnh biên độ hẹp cũng làm cho giá thành nhập khẩu gạo từ Việt Nam đội lên cao, không đáp ứng kỳ vọng cho các đơn hàng đấu thầu cung cấp cho người tị nạn nước ngoài trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, gạo Việt Nam khó cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác có khoảng cách địa lý gần hơn như Paskistan, Ấn Độ.
Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực với xuất khẩu nông sản Việt Nam là bất chấp sự phục hồi của Thổ Nhĩ Kỳ, mặt hàng Rau và Hoa quả vẫn tăng mạnh. Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập lượng Rau và Hoa quả trị giá 409.485 USD từ Việt Nam trong quý I/2015, tăng tới 466% so với con số 72.391 USD của giai đoạn cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ trong ba tháng đầu năm 2015.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương (MOIT)/ Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ