5 tháng đầu năm, mặt hàng gỗ xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (tăng 17% cùng kỳ năm ngoái), dự kiến cả năm sẽ xuất khẩu 4,9 tỷ USD, tăng gần 25%.
Khi thị trường Trung Quốc gặp trục trặc thì ngành gỗ cũng không gặp khó khăn nhiều. Mặt khác đây còn là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước giành lại thị trường nội địa cũng như đẩy mạnh xuất khẩu.
Đây là thông tin tại hội thảo “Cơ hội cho ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ” do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa) tổ chức tại TPHCM mới đây.
Theo đó, xuất khẩu mặt hàng gỗ đang có xu hướng tăng, 5 tháng đầu năm xuất khẩu được 2,4 tỷUSD (tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái), dự kiến cả năm sẽ xuất khẩu khoảng 4,9 tỷ USD, tăng gần 25%.
Theo Hawa, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, kế đến là châu Âu, sau đó là các thị trường khác, trong đó có Trung Quốc. Do đó, khi thị trường Trung Quốc gặp trục trặc thì ngành gỗ cũng không gặp khó khăn nhiều. Mặt khác, đây còn là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước giành lại thị trường nội địa cũng như đẩy mạnh xuất khẩu.
Các chuyên gia còn phân tích, nếu doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu sẽ chiếm được thị trường dễ dàng.
Các chuyên gia nước ngoài cũng cho biết nhiều người nước ngoài đã vào Việt Nam tận dụng tay nghề người Việt để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sang các nước trên thế giới với số lượng lớn. Người Việt có tay nghề cao, kể cả công nghệ, để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Cái thiếu của doanh nghiệp Việt Nam là niềm tin để tạo ra sản phẩm đẳng cấp cho thế giới.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Kiến trúc AA cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đủ sức vươn ra thế giới, không hề thua kém các doanh nghiệp nước ngoài. Bằng chứng là hiện nay có một số doanh nghiệp Việt Nam đã thành công khi ký được nhiều hợp đồng lớn trang trí nội thất cho các công trình lớn ở nước ngoài, trong đó có Công ty AA. Trước đây, công ty chỉ lo sản xuất cho nhà bán lẻ ở nước ngoài nên không hiệu quả nhưng vài năm nay, đơn vị tập trung bán hàng vào các công trình lớn ở nước ngoài. Hiện công ty đang có hợp đồng với các khách sạn lớn ở Mỹ, Dubai, Thổ Nhĩ Kỳ.
Thành công trên, theo ông Khanh là phải chọn thị trường, theo sát nhà thiết kế, chủ đầu tư; ký kết với các công ty sở tại, chọn mặt hàng có thế mạnh và nghiên cứu kỹ về giá cả.
Đại diện Công ty Đồ gỗ Scansia Pacific cũng cho biết trước đây, công ty theo đơn hàng lẻ nhưng sau đó tập trung vào những tập đoàn lớn.
Giai đoạn đầu gặp rất nhiều khó khăn do đối tác đòi hỏi khắt khe không chỉ chất lượng, mẫu mã mà giá cả cũng khá thấp. Ba năm đầu làm ăn với đối tác lớn, công ty đã bị lỗ trên 3 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó công ty đáp ứng được các yêu cầu từ phía đối tác nên đơn hàng tăng gấp nhiều lần với mức giá hợp lý hơn. Từ năm ngoái, doanh nghiệp này đã bắt đầu có lãi.
Nguồn: Chinhphu.vn