Thống kê cũng cho thấy, hầu hết các mặt hàng đã theo xu hướng tăng đáng kể về số lượng xuất khẩu nhưng kim ngạch chỉ nhích lên chút ít do giá xuất khẩu giảm vì chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Chẳng hạn như cà phê tăng tới trên 37% về lượng xuất khẩu nhưng lại giảm 0,4% về giá trị, đạt 1 tỷ USD; hạt tiêu tăng gần 41% về lượng nhưng giảm trên 7% về giá trị, đạt 246 triệu USD; hạt điều có nhích về lượng nhưng lại giảm tới gần 15% về kim ngạch, đạt 246 triệu USD.
Nhóm hàng lâm sản và thủy sản cũng sụt giảm đáng kể. Tổng giá trị xuất khẩu các lâm sản chính trong 5 tháng đạt trên 1 tỷ USD, giảm gần 17%; hàng thủy sản đạt 1,36 tỷ USD, giảm trên 10%.
Riêng mặt hàng gạo có mức tăng nhiều và ổn định nhất với 350 triệu USD trong tháng 5, tăng trên 43% so với tháng 5/2008. Như vậy, riêng gạo đã mang về 1,5 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng gần 17%.
Trong số các thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam, Philippines vẫn là khách hàng tiêu thụ hàng đầu, chiếm trên 46,5% về giá trị và gần 40% lượng gạo xuất khẩu. Tiếp đến, Malaysia chiếm trên 10%, Iraq khoảng 6%.
Ngoài gạo, chè cũng là mặt hàng có sự tăng trưởng đáng kể về xuất khẩu 50 triệu USD trong 5 tháng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, giá trị nhập khẩu của ngành nông nghiệp cũng trong tình trạng sụt giảm với nhóm hàng thuốc trừ sâu và nguyên liệu giảm gần 29%, đạt 177 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ chỉ bằng 54% so với cùng kỳ năm trước, đạt 65 triệu USD; thức ăn gia súc giảm 30%.
Trong bối cảnh này, mục tiêu xuất khẩu nông-lâm-thủy sản năm nay chỉ được đặt ở mức 12,5 tỷ USD, giảm khoảng 3,7 tỷ USD so với năm ngoái.

Nguồn: Vinanet