(VINANEAT) Theo số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam, năm 2011 Việt Nam đã xuất khẩu 2,4 triệu tấn quặng và khoáng sản, trị giá 216,3 triệu USD, tăng cả về lượng và trị giá so với năm 2010, tăng lần lượt 14,52% và 38,89%.

Trung Quốc vẫn là thị trường chính nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong năm 2011, với 1,7 triệu tấn, chiếm 72,8% thị phần, trị giá 125,5 triệu USD tăng 27,16% về lượng và tăng 23,19% về trị giá so với năm trước.

Nhìn chung, xuất khẩu quặng và khoáng sản năm 2011 đều tăng trưởng ở hầu khắp các thị trường, duy chỉ có hai thị trường giảm về lượng và Ấn Độ và Nhật Bản, giảm 8,62% và 58,39% đạt lần lượt 326,5 nghìn tấn và 21,2 nghìn tấn.

Trong số thị trường tăng trưởng thì Malaysia là thị trường có sự tăng trưởng vượt bậc, tăng 794,% về lượng và 1845,69% về trị giá tương đương với 1,2 nghìn tấn và trên 3 triệu USD.

Sang năm 2012, trước việc xuất khẩu khoáng sản và gian lận thương mại có biểu hiện gia tăng, chưa kiểm soát được, Thủ tướng đã chỉ thị dừng xuất khẩu hàng loạt khoáng sản như: quặng sắt, quặng đồng, quặng chì kẽm, quặng apatit…

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 02/CT-TTg chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

Chỉ thị nêu rõ thời gian gần đây hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản đã có một số diễn biến phức tạp. Tình hình khai thác một số loại khoáng sản chưa phù hợp nhu cầu thực tế. Số lượng giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản được cấp gia tăng, trong khi việc đầu tư dự án chế biến sâu ít được quan tâm.

Tình trạng vi phạm quy định về an toàn lao động và bảo vệ môi trường còn khá phổ biến. Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương, tập trung chủ yếu vào một số loại khoáng sản như: Than đá, vàng, titan, thiếc, chì, kèm, sắt, mangan, cát xây dựng...

Thủ tướng nhận định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do yếu kém trong quản lý nhà nước về khoáng sản cũng như việc xử lý những trường hợp vi phạm còn thiếu nghiêm minh.

Chính vì vậy, Thủ tướng đã chỉ thị dừng khai thác, xuất khẩu một loạt các khoáng sản. Cụ thể, dừng hoàn toàn việc xuất khẩu quặng sắt; không cấp phép thăm dò, khai thác mới đối với quặng titan sa khoáng. Cho phép xuất khẩu khối lượng tinh quặng ilmenit hiện đang tồn kho đến hết tháng 6/2012. Từ 1/7/2012, không xuất khẩu quặng titan chưa qua chế biến sâu và việc xuất khẩu phải được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo không xuất khẩu quặng đồng, không cấp phép mới khai thác vàng sa khoáng. Địa phương có trách nhiệm bảo vệ các mỏ vàng, đồng chưa khai thác và phải có phương án kiên quyết đóng cửa những mỏ không bảo dảm hiệu quả và yêu cầu về môi trường.

Ngoài ra, quặng và tinh quặng chì – kẽm, quặng cromit, mangan, apatit cũng nằm trong danh sách không được xuất khẩu.

Về chiến lược khoáng sản đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó có chỉ đạo về điều tra, đánh giá khoáng sản phải đi trước một bước, làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản để lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và dự trữ quốc gia.

Chiến lược sẽ ưu tiên đầu tư cho điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản cả phần đất liền, biển và hải đảo để làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản. Thăm dò, khai thác khoáng sản gắn với chế biến và sử dụng hiệu quả. Cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản; phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng an ninh.
Mục tiêu của chiến lược là khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao; đến năm 2020 chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường; hình thành các khu công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung với công nghệ tiên tiến, có quy mô tương xứng với tiềm năng của từng loại khoáng sản.

Bên cạnh đó, chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị cao đối với khoáng sản quy mô lớn. Các khoáng sản còn lại khai thác, chế biến theo nhu cầu trong nước, tăng cường dự trữ khoáng sản quốc gia làm cơ sở phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Trong công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, sẽ đánh giá tổng thể tiềm năng một số loại khoáng sản quan trọng như: than nâu ở đồng bằng sông Hồng; bauxite, sắt laterit ở Tây Nguyên; đất hiếm-urani; chì kẽm ở Tây Bắc, Việt Bắc, Trung Bộ; liti, vàng ở Trung Trung bộ; đá hoa trắng ở Bắc bộ.

Trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, đối với khoáng sản than, sẽ đẩy mạnh thăm dò phần sâu dưới 300m đối với các mỏ ở bể than Quảng Ninh, Thái Nguyên, Quảng Nam; lựa chọn một số khu vực có triển vọng nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng, thăm dò đến mức sâu dưới 1000m. Lựa chọn phương pháp khai thác thử nghiệm tại một số khu vực thuộc bể than đồng bằng sông Hồng bảo đảm an toàn môi trường, không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội trên mặt đất, làm cơ sở đề xuất giải pháp khai thác tổng thể bể than giai đoạn sau năm 2020.
Đối với khoáng sản vàng, chỉ thăm dò, khai thác đối với mỏ vàng gốc, công tác chế biến quặng vàng phải sử dụng công nghệ tiên tiến, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, nguồn nước; không thăm dò-khai thác vàng sa khoáng.

Đối với các loại khoáng sản kim loại khác, thực hiện thăm dò, khai thác phải gắn với chế biến sâu chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước, không xuất khẩu quặng và sản phẩm sau chế biến. Bên cạnh đó, không khai thác đá vôi tại khu vực sườn núi dọc theo hai bên đường quốc lộ để bảo vệ cảnh quan; đối với khoáng sản đá vôi trắng, không xuất khẩu đá khối.

Thị trường xuất khẩu quặng và khoáng sản năm 2011

ĐVT: Lượng(tấn); trị giá (USD)

 

Thị trường

 

KNXK năm 2011

 

KNXK năm 2010

% SS tăng giảm KN so với năm 2010

lượng

trị giá

lượng

trị giá

lượng

trị giá

Tổng kim ngạch

2.443.250

216.366.898

2.133.528

155.778.678

14,52

38,89

Trung Quốc

1.780.012

125.549.097

1.399.846

101.915.301

27,16

23,19

Ấn Độ

326.582

25.235.001

357.391

22.454.264

-8,62

12,38

Hàn Quốc

46.473

9.300.613

36.076

4.102.847

28,82

126,69

Nhật Bản

21.283

16.771.380

51.153

7.488.036

-58,39

123,98

Thái Lan

1.506

2.240.762

441

142.049

241,50

1,477,46

Malaysia

1.208

3.034.296

135

155.950

794,81

1,845,69

Đài Loan

894

2.008.499

501

404.761

78,44

396,22

Indonesia

767

1.796.537

170

192.306

351,18

834,21

 

Nguồn: Vinanet