Dự báo XK thủy sản của Việt Nam cả năm 2012 sẽ đạt trên 6,18 tỷ USD, tăng gần 1% so với năm 2011, trong đó tôm đạt trên 2,2 tỷ USD, giảm 8,3% so với năm ngoái, cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, tương đương với năm 2011, hải sản đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng khoảng 19% so với năm ngoái.
Những khó khăn tiếp diễn từ quý II như thiếu vốn cho sản xuất và chế biến XK, nhu cầu tại thị trường chủ lực EU thấp, rào cản ethoxyquin tại thị trường Nhật Bản và chi phí đầu vào liên tục tăng đã tác động rõ rệt đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản trong quý III/2012. XK tôm và cá tra đều giảm liên tiếp trong 3 tháng, khiến tổng kim ngạch XK thủy sản của quý III/2012 chỉ tăng nhẹ so với quý II/2012 (+3,4%) nhưng lại giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,62 tỷ USD.
Mặc dù XK các mặt hàng hải sản vẫn duy trì được tăng trưởng dương nhưng bước sang quý III đã có dấu hiệu chững lại do XK mực bạch tuộc giảm liên tiếp trong 3 tháng vì thiếu nguyên liệu cho chế biến. XK cá ngừ và cá biển vẫn tăng mạnh với tỷ lệ tương ứng là +92% và 24% so với cùng kỳ, nhưng mực bạch tuộc giảm gần 17%, kéo tỷ lệ tăng trong quý III xuống 19% sau khi tăng gần 50% trong quý II.
Chiếm 64,8% tổng XK thủy sản của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, sự sụt giảm giá trị XK của 2 mặt hàng tôm và cá tra trong quý III (tôm giảm 15,2%, cá tra giảm 10%) và 9 tháng giảm lần lượt 3,9% và 1,8%, khiến tổng XK thủy sản 9 tháng đầu năm chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 4,5 tỷ USD.
Trước những khó khăn về vốn cho sản xuất, nhu cầu mua hàng còn thấp của thị trường, chi phí đầu vào gia tăng cùng với những bất cập trong các quy định, thủ tục liên quan đến XNK thủy sản (tiếp tục tồn tại trong quý IV), dự báo tổng XK thủy sản trong quý IV/2012 sẽ đạt khoảng trên 1,67 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với quý III, nhưng giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tôm đạt khoảng 650 triệu USD, cá tra đạt 470 triệu USD, các mặt hàng hải sản đạt trên 550 triệu USD.
Như vậy, dự báo XK thủy sản cả năm 2012 sẽ đạt trên 6,18 tỷ USD, tăng gần 1% so với năm 2011, trong đó tôm đạt trên 2,2 tỷ USD, giảm 8,3% so với năm ngoái, cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, tương đương với năm 2011, hải sản đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng khoảng 19% so với năm ngoái.
Người nuôi và DN sẽ tiếp tục khó khăn vì thiếu vốn
Mặc dù lãi suất đã được hạ xuống 11% và một số ngân hàng đồng ý giãn nợ cho người nuôi tôm và cá tra, nhưng khó khăn kéo dài từ năm ngoái đến nay khiến cho ngành thủy sản bị coi là ngành rủi ro nên các ngân hàng vẫn thận trọng khi cho vay. Việc giãn nợ cũng chưa đủ để cứu được nhiều nông dân khi mà họ bị thua lỗ do giá thành sản xuất tăng nhanh, trong khi giá bán nguyên liệu không ổn định, phụ thuộc vào biến động của thị trường nước ngoài.
Việc tiếp cận vốn vay, giãn nợ hoặc cho vay thêm chỉ dễ dàng với những DN có tình hình tài chính ổn định, rất nhiều DN vừa và nhỏ và người nuôi vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp của các ngân hàng. Nguyên nhân là có rất ít người đi vay có thể đáp ứng các tiêu chí mà ngân hàng yêu cầu: như việc không có nợ xấu, chứng minh được phương án kinh doanh hiệu quả, có tài sản thế chấp…
Nguồn nguyên liệu cho chế biến XK tiếp tục bị thiếu hụt
Trong khi nhu cầu thị trường tiêu thụ chưa cải thiện đột phá được ngay, sản lượng thu hoạch cá tra và tôm trong quý IV/2012 cùng với lượng trữ kho chưa giao hàng của quý III sẽ đủ cho hoạt động chế biến và XK trong quý cuối năm. Dự báo nguồn nguyên liệu tôm sẽ thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 20%, nhưng nhu cầu của thị trường Châu Âu và khó khăn của thị trường Nhật Bản sẽ giữ cho cung – cầu mặt hàng này cân bằng.
Hoạt động khai thác trong quý III và IV bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa bão, sản lượng sụt giảm, ước tính nguồn nguyên liệu hải sản sẽ tiếp tục thiếu hụt khoảng 30% cho nhu cầu chế biến XK, nhất là mặt hàng mực, bạch tuộc. Sản lượng cá ngừ cũng sẽ giảm so với nửa đầu năm.
Nhập khẩu nguyên liệu thủy sản tăng 30%
Để bù đắp nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt, nhất là nguyên liệu hải sản, các DN sẽ tiếp tục đẩy mạnh NK thủy sản từ các nước khác để sản xuất xuất khẩu và gia công cho XK, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho ngành thủy sản. Các mặt hàng hải sản sẽ được đẩy mạnh NK trong quý IV, dự kiến sẽ tăng khoảng 30%, vì nhu cầu của khách hàng nước ngoài đối với mặt hàng này sẽ tăng mạnh vài dịp cuối năm. Dự kiến NK thủy sản trong quý IV sẽ đạt trung bình 65 – 70 triệu USD/tháng.
Nhu cầu của thị trường nhập khẩu chính không tăng
Thị trường EU: Tình hình kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục ảm đạm cho đến hết năm 2012, do vậy, nhu cầu của thị trường này sẽ tiếp tục giảm trong quý IV. XK sang thị trường này sẽ vẫn tăng trưởng âm, dự báo giảm 12 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ tương đương hoặc giảm nhẹ so với quý III, đạt khoảng 280 – 290 triệu USD. Các mặt hàng tôm, cá tra sang EU sẽ vẫn khó khăn, cá ngừ và cá biển có triển vọng hơn vì nguồn cung ổn định và nhu cầu khả quan hơn.
Thị trường Mỹ: Tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm, nhưng sang quý III bắt đầu có xu hướng đi xuống. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong quý IV, dự báo đạt khoảng 330 triệu USD, tương đương với quý III, nhưng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường Nhật Bản: Vấn đề ethoxyquin sẽ tiếp tục chi phối XK tôm sang thị trường này, do vậy XK tôm sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Dự báo XK thủy sản nói chung sang Nhật Bản quý IV sẽ giảm khoảng 1,5- 2% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương với quý III năm nay, đạt khoảng 280 triệu USD.
Nhu cầu NK của các nước châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN) có thể sẽ khả quan hơn trong quý IV, nhưng mức tăng trưởng sẽ không cao, dự báo tăng khoảng 10 – 20% so với cùng kỳ năm 2011.
(VASEP)