Người dân các tỉnh ĐBSCL bước vào vụ tôm mới 2012 với nhiều nỗi lo khi hàng loạt diện tích tôm thả sớm bị chết và có nguy cơ lan ra diện rộng. Trong khi đó, những nhà máy chế biến tôm đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu hoạt động, đe dọa chỉ tiêu xuất khẩu 2,5 tỷ USD trong năm 2012 do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đặt ra.

Mới vào vụ... tôm đã chết

Mấy ngày nay nhiều hộ nuôi tôm sú ở các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) mất ăn mất ngủ vì nạn tôm chết. Tình trạng tôm chết còn lan sang xã Trung Bình, Lịch Hồi Thượng… đa phần do bệnh đốm trắng gây ra. Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, cho biết tỉnh đã khuyến cáo lịch thời vụ xuống giống tôm sú từ đầu tháng 3 trở đi. Thế nhưng, nhiều hộ không tuân thủ “xé rào” xuống giống sớm dẫn đến thiệt hại.

Tại Cà Mau, tôm chết cũng xảy ra ở nhiều nơi. Sở NN-PTNT Cà Mau khuyến cáo lịch thời vụ xuống giống vào đầu tháng 3, nhưng nhiều hộ tự ý thả sớm dẫn đến tôm chết. Nguyên nhân do thời tiết không thuận lợi, môi trường ô nhiễm, nguồn giống chưa đảm bảo… gây ra dịch bệnh.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết tỉnh đã lập 2 đoàn công tác trực tiếp xuống những nơi tôm chết để lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra chất lượng con giống, môi trường nước, nhiệt độ, thuốc thú y thủy sản… Song song đó, hướng dẫn người dân khắc phục tôm chết, biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Đe dọa chỉ tiêu xuất khẩu

Theo VASEP, năm 2011 các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD, tăng 13,7% so năm 2010. Kế hoạch năm 2012, tôm sẽ tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu số 1 của ngành thủy sản, với mục tiêu phấn đấu đạt trên 2,5 tỷ USD.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP cho rằng, cái khó là tình trạng thiếu hụt nguyên liệu diễn ra ngày càng trầm trọng khiến các nhà máy hoạt động không hết công suất. Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, nhìn nhận người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang phải “tự bơi” trong điều kiện khó khăn và cạnh tranh quyết liệt.

Nuôi tôm bây giờ như đánh bạc, rủi ro cao bởi nhiều yếu tố bất lợi, nhất là con giống mạnh ai nấy làm, khó quản lý về chất lượng. Lãnh đạo Sở NN-PTNT Bến Tre cảnh báo hàng chục ngàn ha tôm chết ở ĐBSCL trong năm 2011 là bài học cần rút kinh nghiệm. Để đạt được kim ngạch xuất khẩu cần quản lý chặt vùng nuôi, kiểm soát tốt con giống, kiên quyết loại bỏ dư lượng kháng sinh, các loại thuốc thú y thủy sản có nguy cơ gây bệnh…

Theo Bộ NN-PTNT, trong năm 2012, nhiều nước nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Việt Nam sẽ trực tiếp sang nước ta giám sát, đánh giá chất lượng thủy sản. Dự kiến phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) và Cơ quan Thực phẩm - Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) sẽ sang kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thủy sản nuôi, thanh tra nhà máy chế biến, cơ sở nuôi, sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản…

Điều đáng lo ngại là thời gian qua nhiều lô hàng tôm xuất khẩu sang Nhật Bản và một số thị trường khác bị trả về do nhiễm kháng sinh. Vì vậy, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát chất lượng tôm ngay từ con giống đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bộ NN-PTNT cũng ra thông tư đưa 28 sản phẩm có chứa chất cypermethrin, deltamethrin dùng để xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản, thuốc thú y thủy sản ra khỏi danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

(DTTC)

Nguồn: Tin tham khảo