Sản lượng cung cấp ra thị trường đang vượt xa so với nhu cầu tiêu dùng nội địa, bài toán đặt ra của ngành ximăng hiện nay là làm thế nào để tăng trưởng bền vững, không chạy theo số lượng và đặc biệt là tận dụng hiệu quả được nguồn tài nguyên thiên nhiên thực tế đang ngày một càng cạn kiệt.
Bên lề hội thảo "Xuất khẩu xi măng theo hướng tăng trưởng bền vững" do Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng tổ chức sáng 23/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có một số giải đáp với phóng viên xung quanh vấn đề này.
Xuất khẩu cũng chỉ là một giải pháp
Hiện ximăng không phải là mặt hàng khuyến khích xuất khẩu, vậy làm thế nào để hướng tới sự phát triển bền vững, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trên thực tế việc tìm ra được giải pháp cho ngành ximăng Việt Nam trong đó không phải tăng về khối lượng và sản lượng của ximăng xuất khẩu sẽ cần phải được đánh giá kỹ lưỡng.
Theo tôi, thông qua các ý kiến tại hội thảo "Xuất khẩu ximăng theo hướng tăng trưởng bền vững," Bộ Công Thương sẽ phân tích và đánh giá thực trạng hiện nay của ngành công nghiệp ximăng Việt Nam, qua đó đề xuất với Chính phủ và các bộ ngành nhằm đưa ra giải pháp phù hợp giúp cho ngành ximăng Việt Nam phát triển đóng góp vào nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cũng như đóng góp vào xuất khẩu.
Cần nhấn mạnh rằng, khi đã nói đến hiệu quả trong xuất khẩu có nghĩa là chúng ta phải nói đến những yếu tố mang tính bền vững trong tương lai chứ không phải chỉ đơn thuần là tính đến giá trị xuất khẩu mà chúng ta đã đạt được trong năm 2014 và những năm trước đó.
Vì vậy, ở đây theo như nội dung tại hội thảo đã thống nhất đánh giá rằng, hoạt động xuất khẩu ximăng và clanker của Việt Nam cần được đánh giá một cách cẩn trọng cũng như làm một cách toàn diện và gắn với thực tiễn của Việt Nam. Nhưng cũng cần nói rằng, trên thực tế xuất khẩu là việc cần thiết vì trong vòng 4 năm nay, công suất sản xuất thực tế của ximăng Việt Nam đã vượt xa so với nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Với thực tế như vậy thì giải pháp đặt ra đối với việc tiêu thụ ximăng hàng năm sẽ bắt buộc phải tính đến yếu tố xuất khẩu và hiệu quả chung cho ngành công nghiệp ximăng Việt Nam.
Điều đáng mừng là trước mắt việc xuất khẩu ximăng và clanker của Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trưởng như thời gian vừa qua và gắn với việc giá cả trên thị trường thế giới ổn định. Vì vậy, có thể nói trước mắt mặt hàng ximăng chưa phải là mặt hàng trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam, tuy nhiên đã có vị thế nhất định và quan trọng hơn cả là đã góp phần đưa ra giải pháp cho việc tiêu thụ đối với ngành ximăng của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Vậy theo quan điểm của Thứ trưởng, có nên tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này không?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Yêu cầu về thị trường cho việc tiêu thụ ximăng là một thực tế được đặt ra và với công suất thiết kế cũng như sản lượng thực tế như hiện nay khoảng 71 triệu tấn/năm thì tiêu thụ nội địa chỉ chiếm hơn 50 triệu tấn.
Như vậy lượng dư thừa trên dưới 20 triệu tấn và trước mắt nếu như chúng ta chưa đánh giá đầy đủ về hiệu quả trong sản xuất gắn với xuất khẩu thì buộc chúng ta phải tính đến các giải pháp tình thế để tạo điều kiện cho các nhà máy ximăng của Việt Nam tiêu thụ sản phẩm.
Cần tính đến yếu tố bền vững
Để tăng cường hiệu quả xuất khẩu ximăng thì vai trò của Bộ Công Thương sẽ có giải pháp như thế nào, tránh tình trạng xuất khẩu ồ ạt rồi lại phải nhập khẩu về với giá cao?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trước tiên, với đánh giá của Bộ Xây dựng và Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam tại hội thảo hôm nay cho thấy, trữ lượng của đá vôi (nguồn nguyên liệu chính để sản xuất xi măng) ở Việt Nam có rất lớn, nhưng không phải vì như vậy mà chúng ta sẽ sử dụng phung phí trong khai thác tài nguyên để phục vụ cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng và xuất khẩu bằng mọi giá, tôi khẳng định "cái đó là không phải."
Tuy nhiên, phải khẳng định về trữ lượng, chúng ta có thể yên tâm để phục vụ cho ngành công nghiệp ximăng trước tiên là phục vụ cho nhu cầu xây dựng của thị trường nội địa trong một thời gian rất dài.
Bên cạnh đó, hệ thống hàng chục nhà máy sản xuất ximăng rất hiện đại của Việt Nam sẽ góp phần đưa công suất thiết kế và sản lượng thực tế của Việt Nam lên mức cao như thời gian qua cũng bắt buộc chúng ta phải có giải pháp tính đến tiêu thụ ở thị trường bên ngoài.
Liên quan đến việc đánh giá như thế nào về hiệu quả của ximăng, thì cần phải tính toán đến các yếu tố như: Chi phí đầu vào với giá xuất khẩu của xi măng nó phản ánh đầy đủ tất cả thiệt hại cũng như giá trị mà chúng ta phải bỏ ra, kể cả khai thác tài nguyên cũng như chi phí để bảo vệ môi trường hay chưa? Những vấn đề đó, chúng ta cần có sự đánh giá một cách kỹ lưỡng hơn nữa giữa các bộ ngành và cơ quan quản lý. Nếu muốn định hướng cho xuất khẩu thì chúng ta bắt buộc phải điều chỉnh quy hoạch ngành nhằm đảm bảo cơ sở về pháp lý cho việc thực hiện.
Tiếp đến, liên quan đến hiệu quả xuất khẩu của ximăng còn phải tính toán, đánh giá trên một số hiệu quả và sự lan tỏa ở một số ngành và dịch vụ khác, ví dụ như tạo ra công ăn việc làm, kể cả liên quan đến nguồn thuế môi trường và xuất khẩu, hoặc tính đến lĩnh vực logistic (kho vận), vận tải... vì hiện nay chúng ta xuất khẩu ở mức 20 triệu tấn thì đội tàu của Việt Nam cũng phải tăng lên tương ứng mới có thể mang lại giá trị lớn hơn.
Hơn nữa, hiệu quả của xuất khẩu ximăng cần tính đến nguyên tắc thị trường, tức là đầu vào của các nguyên nhiên liệu cho ngành công nghiệp đó, chứ không thể tiếp tục trợ giá dưới bất kỳ hình thức nào và chúng ta thấy rằng, giá điện, xăng dầu chúng ta đã bắt đầu điều hành theo nguyên tắc thị trường, do vậy buộc các doanh nghiệp phải tính đúng, tính đủ để từ đó có hướng sản xuất, cải tiến công nghệ cũng như thay đổi kỹ năng quản trị kể cả trong hoạt động thị trường, xuất khẩu nhằm đảm bảo chi phí và nâng cao hiệu quả trong tiêu thụ và xuất khẩu.
Xin cảm ơn thứ trưởng./.
Nguồn: Vietnamplus.vn