Sản phẩm nhựa Việt Nam hiện nay đã xuất khẩu (XK) đến 48 thị trường trên thế giới; kim ngạch XK năm 2007 đạt 710 triệu USD, tăng 48% so với năm 2006. Theo kế hoạch, năm 2008, XK của ngành nhựa đạt 1 tỷ USD, tăng 41% so năm 2007.
 
Việt Nam đã sản xuất được các mặt hàng nhựa chất lượng cao, như: bao bì và màng thẩm thấu ảnh hưởng đến hương vị, khí; bao bì đạt tiêu chuẩn quốc tế 1- 2 tấn; bạt lều chống muỗi; mành phủ nông nghiệp; màng lót đường sá; ống HOPE chịu áp lực cao đường kính đến 500 mm; ống có gân lớn, đường kính đến 3.000 mm; cửa sổ cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế; kim loại phủ chất dẻo; tấm cách nhiệt, phụ tùng ô tô, xe máy; dây cáp điện...
          Hiện nay Việt Nam có khoảng 10 nhóm mặt hàng nhựa XK chính: sản phẩm dùng trong vận chuyển, đóng gói; tấm màng dải nhựa xốp, thiết bị vệ sinh, đồ dùng trong văn phòng và trường học, vải bạt, các loại ống và phụ kiện...
Mặc dù thị trường XK ngành nhựa đạt mức tăng trưởng cao trong những năm vừa qua, nhưng hiện nay hoạt động XK của các doanh nghiệp (DN) nhựa đang gặp nhiều khó khăn. Tại Hội nghị bàn về biện pháp đẩy mạnh XK mặt hàng nhựa, do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Nhựa Việt Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/6, nhiều DN cho biết họ đang đương đầu với những khó khăn, như giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, cước vận chuyển... đều tăng cao, đặc biệt là giá nguyên liệu đã tăng đột biến. Chỉ trong 2 tháng 4 và 5 vừa qua, nguyên liệu đã tăng đến 40%, do đó giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao, giảm tính cạnh tranh. Các DN đều thiếu vốn và các ngân hàng đều hạn chế cho vay, nhất là cho DN vay ngoại tệ để NK nguyên liệu, trong khi đó 90% nguyên liệu phục vụ sản xuất phải NK...
 
          Theo Hiệp hội Nhựa Việt nam, muốn ngành nhựa phát triển bền vững, chỉ có con đường là đẩy mạnh XK. Các DN ngoài thực hành tiết kiệm, giảm tối đa chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, còn phải đoàn kết, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tạo sức mạnh cộng đồng với đối tác XK. Bên cạnh đó, Nhà nước cần kịp thời ban hành hoặc điều chỉnh những chính sách phù hợp với thực tiễn, nhất là những chính sách về tài chính, ngân hàng, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn vay ngoại tệ để nhập nguyên liệu.... Cần hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm nhựa Việt Nam ra thị trường thế giới.
 

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam