Canada là quốc gia có mức tiêu dùng may mặc cao, mỗi năm vào khoảng trên 20 tỷ đôla Canada và đã trở thành một trong những thị trường nhập khẩu hàng dệt may cao nhất thế giới tính trên đầu người. Trong các sản phẩm hàng may mặc, thì quần áo phụ nữ chíêm tới 50% nhu cầu, tiếp đến là quần áo nam giới, số còn lại là quần áo trẻ em và quần áo chuyên dụng khác. Mặc dù ngành công nghiệp dệt may Canada cũng rất phát triển với trên 2.000 nhà sản xuất, đa phần là những công ty lớn và chủ yếu tập trung vào sản xuất quy mô lớn. Gần đây, các nhà sản xuất Canada chuyển hướng đầu tư kinh doanh về khu vực nông thôn và các khu dân cư nhỏ. Nhưng do phần lớn nguyên vật liệu phcj vụ sản xuất phải nhập khẩu nên ch phí sản xuất rất cao khiến giá thành hàng may mặc nội địa cao hơn nhiều so với hàng nhập khẩu. Trong các chủng loại hàng may mặc nhập khẩu thì mảng hàng giá thấp đến trung bình chiếm thị phần đáng kể. Thêm nữa người tiêu dùng Canada luôn có nhu cầu về hàng may mặc làm từ sợi tự nhiên, ở mức giá cạnh tranh.

Với nhu cầu và thị hiếu này của người tiêu dùng Canada, đây là thị trường tiềm năng đối với mặt hàng may mặc xuất khẩu Việt Nam. Theo Thương vụ Việt nam tại Canada, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường này. Tuy nhiên để thành công, Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến cáo các doanh nghiệp cần có những chiến lược kinh doanh để mặt hàng này giữ được ưu thế tại thị trường Canada.

Trước hết các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam muốn thâm nhập và chiếm vị thế trên thị trường Canada cần phải chú trọng đến các mẫu mã, sản phẩm mới, đảm bảo về chất lượng, dịch vụ, giá cả, bao gói và nhãn mác so với cùng loại mặt hàng đang tiêu thụ trên thị trường. Trong quá trình tìm kiếm nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần giới thiệu một cách cụ thể và nhanh chóng. Thông tin về công ty mình và sản phẩm cần được nêu đầy đủ, địa chỉ, email liên hệ. Giới kinh doanh Canada thường coi trọng việc giao dịch qua email vì họ quan niệm email là công cụ hữu hiệu đánh giá ngay được phản ứng của đối tác trong quan hệ buôn bán, đặc biệt là mức độ quan tâm của đối tác đến sản phẩm cụ thể đang được chào bán. Canada đánh giá rất cao việc nhà cung cấp duy trì mối quan hệ tốt trong suốt quá trình bán hàng và sau bán hàng. Vì vậy, nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý rằng, thị trường may mặc Canada có quy mô chỉ bằng 10% thị trường Mỹ, do đó có thể đáp ứng các đơn hàng lớn. Nhà xuất khẩu và nhập khẩu thường giao dịch dựa trên cơ sở mẫu hàng, do vậy, các mẫu hàng cần phải tuân thủ đúng qui định và tiêu chuẩn của Canada về an toàn, độ bền, trọng lượng, chất liệu, chất lượng.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần biết thêm những qui định chính ảnh hưởng đến kinh doanh ngành hàng dệt may bao gồm: Luật về Dán nhãn và Quảng cáo hàng dệt may và Luật thuế hải quan. Ngoài ra, chất liệu sợi dùng trong quần áo trẻ em cần tuân thủ qui định về độ cháy. Các sản phẩm làm từ da các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng chỉ có thể nhập khẩu vào Canada trong điều kiện đặc biệt…Tham dự thường xuyên các hội chợ thương mại tại Canada và các vùng lân cận để tìm hiểu, cập nhật thông tin về thị trường khách hàng và tìm kiếm các đối tác tiềm năng cũng là một cách thức quan trọng để tiếp cận sau và rộng hơn vào thị trường Canada mà các doanh nghiệp Việt Nam không nên bỏ lỡ.

Nguồn: Vinanet