Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam lần này, Thủ tướng rất quan tâm đến việc đề nghị Mỹ trao cho Việt Nam qui chế ưu đãi thuế quan GSP và  việc Việt Nam không có GSP từ Mỹ là bất công với hàng triệu người lao động nghèo. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương,  Mỹ đã dành GSP cho nhiều quốc gia. Lâu nay hàng hóa Việt Nam vào Mỹ chưa được hưởng qui chế GSP nên một số mặt hàng có khả năng cạnh tranh của Việt Nam bị hạn chế hơn. Điều này thể hiện sự chưa công bằng của chính sách thương mại Mỹ với Việt Nam.

Những hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cần được hỗ trợ là thủ công mỹ nghệ, chế biến, mặt hàng do doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất có liên quan đến cuộc sống của hàng triệu người lao động. Nếu như hàng Việt Nam vào Mỹ được hưởng GSP thì bên cạnh việc nâng cao giao thương kinh tế, hai nước sẽ góp phần tạo điều kiện cao hơn cho những người sản xuất vừa và nhỏ, người lao động Việt Nam.

Theo một số nhà phân tích chính sách Mỹ cho biết những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện đang chịu thuế cao khi vào Mỹ như giày dép, quần áo có thể sẽ không được hưởng qui chế GSP, trừ một số hàng làm thủ công. Theo Bộ trưởng, về nguyên tắc, GSP là qui chế của quốc gia này dành cho quốc gia khác nhằm hỗ trợ một hoặc một số hàng hóa cần nâng cao về số lượng và chất lượng, đến một thời điểm nào đó sẽ ngừng. Có nghĩa là tùy theo tình hình cụ thể của quốc gia đó có thể được hưởng GSP cho tất cả hàng hóa xuất khẩu, nhưng cũng có thể chỉ một nhóm hàng được hưởng. Và cho đến bây giờ chưa nhận được thông tin những hàng hóa nào của Việt Nam sẽ được Mỹ xem xét cho hưởng GSP, mặt hàng nào không. Ta có đặt vấn đề với Mỹ là vì nền kinh tế Việt Nam còn nhiều hạn chế nên đề nghị Mỹ dành qui chế GSP cho tất cả hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

Liệu trong năm 2008, Việt Nam sẽ biết kết quả đề nghị nhận GSP. Để trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết Việt Nam đã sang giai đoạn 2. Đại diện thương mại Mỹ (USTR) tiếp nhận đơn của Việt Nam và đã gửi lấy ý kiến của công chúng. Sau khi tập hợp ý kiến, USTR bắt đầu phân tích và trình lên cơ quan có thẩm quyền. Nhiều cơ quan Mỹ đều đề nghị sớm xem xét qui chế cho Việt Nam trong năm 2008.

Hiện nay có nhiều mặt hàng Việt Nam do thuế vào Mỹ cao phải đi vòng qua nước thứ ba. Liệu GSP có giúp giảm tình trạng này không.  Theo Bộ trưởng vấn đề không phải do thuế cao, mà vì sự phân biệt đối xử trong thương mại giữa Mỹ với Việt Nam nên nhiều hàng Việt Nam không xuất khẩu trực tiếp được mà phải qua đường thứ ba. Trong khi đó ta có nhiều hàng hóa rất nổi tiếng như thanh long, nước mắm Phú Quốc. Vì phân biệt đối xử nên sản phẩm của chúng ta không xuất trực  tiếp được, phải đi qua nước thứ ba và mang tên khác, không phải hàng hóa của Việt Nam nữa.

Tương tự, rau quả muốn vào Mỹ phải qua quốc gia thứ ba do những điều kiện ngặt nghèo từ Mỹ về kiểm dịch thực vật hoặc một số rào cản kỹ thuật chưa thỏa thuận được. Nên nếu chúng ta có GSP và thống nhất thêm với nhau về vấn đề khác như Mỹ tạo thuận lợi cho hàng Việt Nam vào Mỹ, chắc chắn hàng Việt Nam được xuất trực tiếp vào Mỹ sẽ tăng lên. Cái chính là chứng minh uy tín và chất lượng, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam.

Về việc Việt Nam có thể nhập thịt bò trên 30 tháng tuổi của Mỹ, Bộ trưởng cho biết, Mỹ có đề nghị VN xem xét chấp nhận việc nhập khẩu thịt bò trên 30 tháng tuổi. VN đang triển khai đánh giá chất lượng và điều kiện để có thể nhập được loại thịt này. Chúng ta cũng cần sự trợ giúp về kỹ thuật, một tổ chức trung gian ở nước ngoài cho khách quan. Một khi có kết luận sẽ quyết định có nên nhập thịt bò hay không.

tt

Nguồn: Vinanet