*2/3 sản phẩm tiêu dùng tại Ma-rốc phải nhập khẩu

Năm 2008, 66% hàng tiêu dùng ở Ma-rốc phải nhập khẩu trong khi năm 2003, tỷ lệ này là 40%. Những sản phẩm có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh nhất là trang thiết bị công nghiệp và lương thực thực phẩm.

Nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng tăng nhập khẩu này: thiếu tính cạnh tranh của ngành công nghiệp địa phương, phát triển kinh tế kéo theo việc nhập khẩu trang thiết bị, thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.

Từ năm 2003 đến năm 2008, trong số 20 sản phẩm có khối lượng tăng trưởng mạnh nhất thì 12 sản phẩm là trang thiết bị công nghiệp. Đó là xe hơi và xe công nghiệp, tỷ lệ NK tăng trưởng lần lượt là + 107% và + 138%, sợi và dây cáp điện (+111%), máy kéo nông nghiệp (+140%), thiết bị khai thác (+156%), cầu thang máy và thiết bị nâng, vận chuyển (+178%)... Nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp khác cũng tăng như giày dép (+131%), tủ lạnh, bếp, tivi, lò sưởi, xe đạp, xe máy…

Đứng sau trang thiết bị công nghiệp có kim ngạch NK tăng là nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nhiều nhất là pho mát, thịt, chuối…

Việc tăng nhập khẩu đã tác động tiêu cực đến sự cân bằng kinh tế, nhất là cán cân thương mại và cán cân thanh toán. Để giải quyết tình trạng này, ngoài việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm địa phương, Bộ Ngoại thương Ma-rốc còn xây dựng các tiêu chuẩn và hệ thống giám sát tại cửa khẩu, chú trọng đến tính chuyên nghiệp, điều kiện hành nghề của các nhà nhập khẩu, thiết lập những cơ chế và biện pháp có khả năng giúp điều tiết nhập khẩu tốt hơn, nói cách khác là tăng cường những hàng rào phi thuế.

*Kiểm tra chất lượng hàng công nghiệp nhập khẩu vào Ma-rốc

Việc kiểm tra chất lượng hàng công nghiệp nhập khẩu vào Ma-rốc mang tính bắt buộc, phù hợp với những quy định của luật và các văn bản liên quan đến tiêu chuẩn hoá (Luật số 1-70.157 ngày 30/07/1970 – Công báo số 3024 ngày 14/10/1970) đã được sửa đổi, bổ sung.

Việc kiểm tra chất lượng những sản phẩm nông sản chế biến và thuốc tân dược được quy định lần lượt tại Luật số 13-83 về trấn áp gian lận và Nghị định số 2-76-266 ngày 6/5/1977 về đồng ý và cho phép kinh doanh biệt dược.

Việc kiểm tra nhập khẩu và bốc dỡ những sản phẩm công nghiệp mang tính bắt buộc với việc doanh nghiệp phải xuất trình Giấy chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn do Bộ Công nghiệp Ma-rốc cấp.

Các doanh nghiệp lấy hàng tại cùng một nhà cung cấp được phép nhập khẩu những sản phẩm trên mà không phải qua kiểm tra có phù hợp với các tiêu chuẩn bắt buộc hay không. Tuy nhiên, DN cần xuất trình một văn bản mang tên Giấy phép nhập khẩu các sản phẩm được miễn kiểm tra phù hợp với các tiêu chuẩn bắt buộc do Bộ Công nghiệp cấp với thời hạn hiệu lực được ấn định một năm.

Trong trường hợp thay đổi nhà cung cấp, DN cần phải xuất trình các giấy chứng nhận hợp chuẩn hoặc giấy phép nêu trên.

Đối với các sản phẩm công nghiệp cần có chứng nhận hợp chuẩn, doanh nghiệp phải báo trước cho các cơ quan hữu quan thuộc Bộ Công nghiệp mỗi khi những mặt hàng này đến phòng hải quan để kiểm tra tính hợp chuẩn.

Trong trường hợp lấy mẫu, một biên bản về lấy mẫu sẽ được lập. Những mẫu này được các cơ quan thuộc Bộ Công nghiệp chuyển cho phòng thí nghiệm liên quan để tiến hành những thử nghiệm cần thiết.

Trong trường hợp các sản phẩm công nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn bắt buộc, một giấy chứng nhận hợp chuẩn sẽ được cấp cho doanh nghiệp, đồng thời một bản sao sẽ được chuyển cho phòng nhập khẩu.

Trong trường hợp không hợp chuẩn, những kết quả thử nghiệm sẽ được các cơ quan thuộc Bộ Công nghiệp thông báo cho hải quan cũng như doanh nghiệp. Trong trường hợp khiếu nại, doanh nghiệp có thời hạn 8 ngày để xin phân tích lần hai trên cùng một mẫu.

Nếu hết thời hạn 8 ngày mà DN không yêu cầu phân tích lần hai hoặc những kết quả phân tích lần hai trùng với kết quả thử nghiệm lần đầu thì mặt hàng liên quan phải được đem tái xuất khẩu. Nếu DN từ chối tái xuất, cơ quan chức năng có thể áp dụng những quy định của Luật số 13.83 về trấn áp gian lận hàng hoá.

Trong trường hợp kết quả phân tích lần hai bác bỏ những kết quả thử nghiệm lần đầu, một giấy chứng nhận về sự hợp chuẩn sẽ được cấp cho doanh nghiệp.

*Cốt-đi-voa tạm ngừng cấp phép xuất khẩu hạt điều đến cuối tháng 3/2010

Từ đầu năm nay, Chính phủ Cốt-đi-voa đã tạm ngừng cấp giấy phép xuất khẩu hạt điều và chỉ cho phép các DN nước này XK trở lại vào cuối tháng 3 đầu tháng 4/2010. Nguyên nhân là do Tổng thống Côte d’Ivoire vừa mới thay đổi bộ máy quản lý. Bộ trưởng Nông nghiệp nước này mới nhậm chức được khoảng hai tuần nên giấy phép xuất khẩu điều vẫn chưa được ký. Đồng thời, thuế xuất khẩu hạt điều và giá trên vùng nguyên liệu đều chưa được ấn định.

Năm 2008, Cốt-đi-voa đã sản xuất được 330.000 tấn điều thô, đứng thứ hai thế giới sau Ấn Độ (400.000 tấn) và là nước xuất khẩu điều thô lớn nhất thế giới. Năm 2009, sản lượng điều của nước này ước đạt 350.000 tấn.

Cốt-đi-voa là nhà cung cấp điều thô quan trọng của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2009, tổng kim ngạch nhập khẩu điều thô của các doanh nghiệp Việt Nam từ nước này đạt 58,6 triệu USD.

Nguồn: Vinanet