Công ước Lomé là một Hiệp định hợp tác thương mại ký năm 1975 giữa Cộng đồng Kinh tế châu Âu và 46 nước châu Phi, Caribê và Thái Bình Dương (gọi tắt là ACP). Công ước này đã được gia hạn vào các năm 1979 (Lomé II gồm 57 nước), 1984 (Lomé III, 66 nước) và 1990 (Lomé IV, 70 nước). Năm 2000, Công ước Lomé được thay thế bởi Hiệp định Cotonou.
 
Nội dung của Công ước Lomé là tạo điều kiện cho các nước ACP thích ứng với nền kinh tế thị trường do Ngân hàng Tái thiết và Phát triển của châu Âu đưa ra.
 
Hiệp định Cotonou giữa EU và các nước châu Phi, Caribê và Thái Bình Dương (ACP) được ký ngày 23/06/2000 tại thủ đô kinh tế Bénin (Cotonou) sau khi Công ước Lomé hết hạn. Với thời gian 20 năm, Hiệp định này được xem xét lại 5 năm một lần và tập hợp 79 nước thuộc nhóm ACP và 27 nước EU với tổng dân số trên 700 triệu người.
 
Có hiệu lực từ ngày 01/4/2003, mục tiêu của Hiệp định Cotonou là lập lại sự cân bằng về kinh tế vĩ mô, phát triển lĩnh vực tư nhân, cải thiện các dịch vụ xã hội, tạo điều kiện cho hội nhập khu vực, thúc đẩy sự bình đẳng cơ hội giữa nam và nữ, bảo vệ môi trường và dỡ bỏ dần dần những rào cản thương mại giữa các bên.
 
Những Hiệp định đối tác kinh tế (APE) hiện đang được đàm phán, ra đời sau khi Công ước Lomé (ký năm 1975) và Hiệp định Cotonou (2000) bộc lộ những hạn chế (tỷ trọng nhập khẩu của EU từ các nước ACP không ngừng giảm sút, từ 7% năm 1975 xuống còn 3% năm 2009). Hai hiệp định trước đây quy định những "ưu đãi thương mại không tương hỗ", cụ thể là dỡ bỏ những rào cản thương mại về thuế quan đối với các mặt hàng EU nhập khẩu từ các nước ACP. Tuy nhiên, những Hiệp định này đã ít có tác động đến sự phát triển của các nền kinh tế ACP cũng như đối với việc xuất khẩu hàng vào châu Âu. Trên thực tế, chính những hàng rào phi thuế của Liên minh châu Âu đã cản trở những sản phẩm của ACP thâm nhập thị trường EU. Chẳng hạn như một số tiêu chuẩn liên quan đến sức khoẻ người tiêu dùng, khía cạnh thẩm mỹ hay trợ cấp nông nghiệp của EU.
 
Những Hiệp định đối tác kinh tế (APE) sẽ giúp đẩy nhanh việc cắt giảm các hàng rào thuế quan mà Hiệp định Cotonou đã đề ra.
 
Mục tiêu của APE là mở cửa thị trường lẫn nhau. Nhiều tổ chức cho rằng việc mở cửa này không có lợi đối với những nước mà nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp như tại Tây Phi. Ngay cả Hiệp hội các nhà công nghiệp châu Phi cũng phản đối việc ký các hiệp định này và bác bỏ nguyên tắc mở cửa tương hỗ thị trường.
 
Hiện mới chỉ có một số nước đã ký APE với EU. Tất cả các khu vực châu Phi, Caribê và Thái Bình Dương (ACP) hiện đang đàm phán với EU để ký kết những Hiệp định APE toàn diện ở cấp khu vực. Nội dung dưới đây đã được đưa ra trong cuộc đàm phán năm 2008 và có thể còn thay đổi từ thời điểm đó đến khi ký kết:
 
Các Hiệp định APE dự kiến loại bỏ ngay lập tức thuế quan đối với những sản phẩm có xuất xứ từ những nước ký kết khi thâm nhập thị trường EU và loại bỏ dần dần thuế quan đối với những sản phẩm của EU khi thâm nhập thị trường những nước ký kết. Đối với Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC), việc loại bỏ thuế quan sẽ thực hiện vào năm 2021. Những hiệp định này còn dự kiến EU sẽ trợ giúp phát triển các nước ACP bằng cách cấp vốn cho các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chế biến nông sản, công nghiệp và pháp lý. Các cơ quan khu vực sẽ được thành lập để tiếp nhận những khoản tài trợ này.
 
Những Hiệp định đối tác kinh tế cũng quy định: a) cấm tăng hoặc tạo mới thuế quan nhập khẩu; b) cấm áp dụng quota nhập khẩu hoặc xuất khẩu; c) loại bỏ dần trợ cấp xuất khẩu những sản phẩm nông nghiệp của EU; d) cấm thực hiện các hành vi thương mại không trung thực; đ) cho phép thực hiện những biện pháp phòng vệ đa phương tạm thời.
(Nguồn: www.moit.gov.vn)