Sau 30 năm tham gia tổ chức Liên hợp quốc (LHQ), Việt Nam đã được các nước châu Á nhất trí đề cử và được các nước thành viên LHQ bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu ủng hộ rất cao, nhiệm kỳ 2008-2009. Ngày 1-1-2008, Việt Nam chính thức nhận vai trò quan trọng tại tổ chức quốc tế lớn nhất này.

Chức Chủ tịch luân phiên của HÐBA trong tháng 4 do Nam Phi giữ, tháng 5 là Anh và tháng 6 là Hoa Kỳ.

Như vậy là, chỉ sau nửa năm làm Ủy viên không thường trực HÐBA, Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí điều hành cơ quan quan trọng nhất của LHQ.

Ðây là một vinh dự  to lớn, song cũng là một trách nhiệm nặng nề và mới mẻ đối với chúng ta.

Ðặc biệt, nước giữ chức Chủ tịch HÐBA trong tháng 7 phải soạn thảo Báo cáo năm của HÐBA (từ ngày 31-7-2007 đến ngày 31-7-2008) gửi lên Ðại hội đồng LHQ. Báo cáo này tổng kết các hoạt động của HÐBA trong một năm qua trên tất cả 60 đề mục trong Chương trình nghị sự hiện nay.

Ngoài chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn  đặc biệt nêu trên, Chủ tịch HÐBA LHQ phải chủ trì và tiến hành bốn loại công việc khác trong tháng. Ðó là:

Thứ nhất, xây dựng chương trình làm việc trong tháng 7 và chương trình nghị sự của các cuộc họp của HÐBA.

Ðây là công việc khá phức tạp vì phải xử lý những yêu cầu khác nhau của các nước về việc có hay không đưa vào chương trình làm việc một vấn đề nào đó, nếu có thì đưa vào thời điểm nào, những thành phần nào tham dự cuộc họp.

Thứ hai, chủ trì và điều hành các cuộc họp kín và công khai của HÐBA.

Tính trung bình mỗi tháng có khoảng 40 cuộc họp. Ðể chuẩn bị cho cuộc họp này, Chủ tịch HÐBA sẽ phải tiến hành các cuộc tham khảo ý kiến không chính thức với đại diện các nước thành viên HÐBA khác, các nước, các tổ chức và cá nhân liên quan để thương lượng về dự thảo các quyết định của HÐBA, như các nghị quyết, tuyên bố.

Thứ ba, thay mặt HÐBA phát biểu ý kiến với báo chí, trả lời các câu hỏi của nhà báo, thông báo cho các nước thành viên LHQ về kết quả của các cuộc họp của HÐBA.

Ðây là dịp tốt để chủ tịch tiếp xúc và nâng cao uy tín của mình thông qua cách điều hành hoạt động phức tạp này.

Thứ tư, một số công việc khác: đại diện HÐBA trong quan hệ với các nước và tổ chức trong và ngoài LHQ, trong đó có nhiệm vụ phải thường xuyên điều hành các cuộc họp với Tổng Thư ký và lãnh đạo cấp cao khác trong Ban Thư ký của LHQ, Ðại hội đồng LHQ, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội của LHQ (ECOSOC), các nước thành viên có yêu cầu gặp.

Như vậy, cùng trong một ngày và cũng có thể trong cùng một  thời gian, Chủ tịch HÐBA phải làm nhiều việc, chủ trì nhiều cuộc họp và gặp gỡ ở nhiều cấp, nhiều vấn đề khác nhau. Có những vấn đề có thời gian chuẩn bị và có những vấn đề mới nổi lên và rất mới mẻ, trong đó HÐBA phải ra quyết định hoặc phán quyết.

Ðể thực hiện có hiệu quả cao vai trò nước Ủy viên không thường trực HÐBA của LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, lãnh đạo nước ta đã có sự chuẩn bị lực lượng cán bộ cho Phái đoàn thường trực tại LHQ với tinh thần chủ động, tích cực tham gia và đóng góp vào các vấn đề quốc tế.

Theo Vụ trưởng Các tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao, ngoài việc tăng cường cán bộ cho Phái đoàn tại LHQ, chúng ta đã thành lập những tổ công tác nghiên cứu các vấn đề quốc tế và phối hợp chặt chẽ với phái đoàn tại LHQ.

Nguồn: Nhân Dân