“Những con hổ kinh tế Đông Nam Á đã hết ngủ đông, nay đang phục hồi sức mạnh và trở nên hấp dẫn hơn trước giới đầu tư nước ngoài". Tờ New York Times đã bình luận như vậy, trước những biến đổi ấn tượng về kinh tế của Đông Nam Á thời gian gần đây.

Thương vụ Việt Nam -   GDP của Singapore trong quý 1/2010 đã tăng trưởng ở mức 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Đối với Malaysia và Singapore, con số này là 10,1% và 7,3%. Ngay cả Thái Lan, quốc gia phải đương đầu với hàng loạt rắc rối chính trị, cũng đã tăng 12% so với cùng kỳ năm 2009 và là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Sang quý 2, các hoạt động kinh tế vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ khắp khu vực.

"Sức khỏe" thế giới đang khá dần, trước nhu cầu của Mỹ và châu Âu về hàng hóa của châu Á tăng trở lại. IMF dự báo, kinh tế khối ASEAN có thể tăng trưởng 6,4% trong cả năm nay vượt xa mức 4,3% của năm 2008 và 1,3% của năm ngoái. Tăng trưởng GDP của Singapore có thể đạt 13-15%, Thái Lan 7-8%, Việt Nam khoảng 6,5%, cao hơn mức tăng trưởng ít nhất 6% của Indonesia và Malaysia.

            Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực ASEAN cũng đang tăng mạnh. Dẫn đầu phải kể đến thị trường lớn nhất ASEAN là Indonesia, đã tiếp nhận lượng vốn đầu tư quý 2/2010 tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm, FDI đổ vào Việt Nam cũng đã tăng 5,9% lên 5,4 tỷ USD. Còn FDI rót vào Malaysia trong quý I đạt 1,65 tỷ USD, nhiều hơn con số 1,39 tỷ USD trong cả năm 2009. Lượng vốn đầu tư đăng ký mới đổ vào các dự án tại Thái Lan đã tăng 7,4% lên 5,9 tỷ USD ngay nửa đầu năm nay.    Lý do mà các nhà đầu tư trở lại là triển vọng sáng sủa của thị trường tiêu dùng khu vực, đặc biệt là Việt Nam và Indonesia. Ngoài ra, việc thực hiện AFTA từ 1/2010 đã đưa biểu thuế quan đối với hàng hóa buôn bán nội vùng giảm xuống chỉ còn 0-5%, cũng là một lý do rất thu hút.

            Tuy nhiên, theo New York Times, việc Đông Nam Á đang làm ăn khấm khá không phải là điều mới mẻ hoàn toàn. Sự phục hồi này phản ánh sức mạnh kinh tế của Đông Nam Á trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính thế giới 2008. Bởi khu vực này đã tự có nhiều cải cách trong hệ thống tài chính sau khủng hoảng tài chính khu vực 1997 - 1998. Các chính phủ có đủ tiền và khả năng về để tăng cường thanh khoản và tiếp sức cho nền kinh tế. Các biện pháp kích thích kinh tế cũng đã cho phép Đông Nam Á chống chọi với khủng hoảng toàn cầu và phục hồi tốt hơn dự kiến, đồng thời tốt hơn nhiều nền kinh tế khác

Ngoài ra, yếu tố "địa lợi" là nhân tố được một số chuyên gia kinh tế nhắc đến, đó là một trong những động lực quan trọng với sự phục hồi của Đông Nam Á chính là nền kinh tế đang tăng trưởng bùng nổ của Trung Quốc. Nước này đang chiếm một tỷ lệ ngày càng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Đông Nam Á. Mặc dù nhu cầu nội địa của các nước Đông Nam Á đã tăng, Trung Quốc vẫn là đích đến quan trọng cho hàng hóa của khu vực, bao gồm cả những mặt hàng chờ được tái xuất sang thị trường phương Tây. Thay vì đẩy mạnh xuất khẩu, Trung Quốc đang có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn từ các nước láng giềng. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước ASEAN đạt 64,6 tỷ USD, tăng hơn 45% và nhập khẩu từ các nước này đạt gần 72 tỷ USD, tăng 64%.

Trung Quốc đang bước vào giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế. Vì thế, trong dài hạn, các nhà chế tạo của nước này sẽ mất đi một số lợi thế cạnh tranh trước các nước ASEAN, khi lương công nhân tăng và các ngành công nghiệp đang được đổi mới. Khi đó, Trung Quốc và ASEAN có thể bổ sung và mang lại lợi ích rất lớn cho nhau. Quan hệ này càng được củng cố bằng hiệp định về Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN (CAFTA), đã bắt đầu có hiệu lực từ 1/2010, với việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan với 7.881 loại hàng hóa, chiếm 90% danh mục hàng hóa được trao đổi.

Phần lớn các chuyên gia đều rất lạc quan về ASEAN. Tuy nhiên, nếu các nền kinh tế hàng đầu thế giới phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng mới, Đông Nam Á chắc chắn sẽ chịu sự sụt giảm của nhu cầu bên ngoài, đồng thời tâm lý ngại rủi ro sẽ khiến các dòng vốn đầu tư thoái lui khỏi khu vực. "Tuy nhiên, những thiệt hại từ bất kỳ một cuộc khủng hoảng mới bên ngoài châu Á nào gây ra cho Đông Nam Á cũng sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với tác động của suy thoái vừa qua. Với năng lực tài khóa tốt và quản lý kinh tế vĩ mô hợp lý, cùng với dự trữ ngoại hối chung của khu vực (theo Sáng kiến Chiangmai đưa ra vào năm 2000), kinh tế Đông Nam Á có khả năng vượt qua một cuộc khủng hoảng mới tốt hơn châu Âu". Đó là nhận định của Chuyên gia kinh tế cao cấp của ADB - Lei Lei Song.

                                                                                                Nguồn: thuongvuvietnam

Nguồn: Vinanet