Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết, quý I/2012 Nhật Bản là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam với kim ngạch đạt 80,42 triệu USD, tăng 205,8% so với cùng kỳ. Ba tháng đầu năm ngành nhựa Việt Nam đã xuất khẩu hơn 20 chủng loại sản phẩm sang thị trường Nhật Bản, trong đó có 13 chủng loại sản phẩm đạt kim ngạch trên 1 triệu USD.

Dẫn đầu trong 13 chủng loại sản phẩm này là sản phẩm nhựa dùng trong vận chuyển, đóng gói với kim ngạch đạt 6,56 triệu USD, chiếm 8,2% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là sản phẩm tấm, phiến, màng nhựa với kim ngạch đạt trên 5 triệu USD, chiếm 6,5% tỷ trọng và tăng 94% so với cùng kỳ. Sản phẩm nhựa gia dụng chiếm vị trí thứ 3 trong danh sách các sản phẩm nhựa xuất khẩu sang Nhật Bản với kim ngạch đạt trên 4,1 triệu USD, chiếm 5,1% tỷ trọng xuất khẩu và tăng 6,1% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, nhựa vải bạt cũng là một trong những sản phẩm xuất khẩu chính sang thị trường Nhật Bản với 4,7% tỷ trọng và đạt 3,87 tỷ USD. Ngoài ra, các loại ống nhựa, phụ kiện và vỏ mỹ phẩm cũng là 2 chủng loại sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tương đối cao với 3,68 triệu USD và 2,83 triệu USD.

Tuy nhiên, theo VPA điểm nhấn thực sự trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản quý I/2012 là sản phẩm nhựa linh kiện đồ đạc trong nhà và phương tiện vận tải. Bởi, cho dù 3 tháng đầu năm chủng loại sản phẩm này chỉ đạt 2,14 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, chiếm 2,7% tỷ trọng nhưng nếu so với cùng kỳ thì tốc độ tăng trưởng kim ngạch đã tăng trên 530% chứng tỏ nhu cầu về sản phẩm nhựa linh kiện tại thị trường Nhật Bản đang rất lớn và các DN ngành nhựa cần tận dụng cơ hội này để tăng sản xuất và tăng kim ngạch xuất khẩu.

Như vậy, quý I/2012 Nhật Bản tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong danh sách các thị trường nhập khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam. Tuy nhiên, VPA cũng chỉ rõ, khả năng để các DN trong ngành gia tăng kim ngạch tại thị trường này còn rất lớn bởi với một số chủng loại sản phẩm tốc độ tăng trưởng kim ngạch tăng khá cao so với cùng kỳ như: sản phẩm tấm, phiến, màng nhựa hay sản phẩm nhựa linh kiện…nhưng so với nhu cầu thị trường thì còn quá nhỏ. Do đó, các DN trong ngành cần gia tăng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhựa của Trung Quốc.

Thêm vào đó, sản phẩm nhựa của Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm nhựa gia dụng hiện đang được đánh giá cao về chất lượng tại thị trường Nhật Bản mà số đơn hàng được chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam từ đầu năm tới nay ngày một tăng là minh chứng rõ ràng nhất. Vì vậy, nếu các DN ngành nhựa có thể tận dụng được cơ hội này thì kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản quý II/2012 hoàn toàn có thể đạt 100 triệu USD, tăng 23,34% so với quý I, lãnh đạo VPA nhấn mạnh./.

(Nguồn: VEN)

Nguồn: Vinanet