Việc Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan vừa hoàn tất thương vụ M&A (mua bán - sáp nhập) chuỗi siêu thị của Tập đoàn Metro tại Việt Nam đã khiến nhiều ý kiến quan ngại về tương lai của hàng Việt sẽ mất chỗ đứng tại hệ thống siêu thị này.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ hội nhập, câu chuyện bảo hộ sẽ không thể mãi tiếp diễn và sự kiện này chính là dịp để các nhà phân phối, bán lẻ Việt Nam tìm hướng đi mới cho mình.

“Dấu chấm hết” cho hàng Việt?

Tập đoàn BJC thuộc sở hữu của tỉ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi và đang có một chiến lược đầu tư lớn vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực phân phối. Cách đây hơn một năm, chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart vốn quen thuộc với người tiêu dùng tại TP.Hồ Chí Minh của Tập đoàn Phú Thái liên doanh với đối tác Itochu (Nhật Bản) đã được BJC mua lại và đổi tên thành B’s mart. Không giấu tham vong “tấn công” thị trường bán lẻ Việt Nam, lãnh đạo của B’s mart cho biết, thương hiệu này đang có kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng ở TP. Hồ Chí Minh và đặt chân tới Hà Nội. Việc bán hàng không gói gọn theo mô hình siêu thị gia đình mà sẽ phát triển các kênh siêu thị, đại siêu thị, nhà sách và nhà thuốc.

Sau 12 năm phát triển tại Việt Nam, Metro đã có 19 siêu thị nằm ở các vị trí đắc địa tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Về tay người Thái, nhiều ý kiến lo ngại hàng Việt trong Metro sẽ dần biến mất, thay vào đó là cuộc đổ bộ của hàng Thái. Tuy nhiên, ông Phạm Đình Đoàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) - lại cho rằng: Lo ngại này không có cơ sở, nhu cầu của thị trường sẽ quyết định khả năng tiêu thụ của hàng hóa. Ông Đoàn phân tích, không phải chủ siêu thị người nước nào thì hàng hóa sẽ toàn của nước đó. Vào Metro hay Big C, người tiêu dùng dễ dàng kiểm chứng điều này. Khi siêu thị mở ra, những gì người ta bán sẽ là thứ người tiêu dùng ở khu vực đó cần, nếu hàng Thái được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích thì không cần có ông chủ là người Thái, các hệ thống, siêu thị bán lẻ khác của Việt Nam cũng có thể nhập về để bán. “Cần tách bạch quan điểm về sản xuất và lưu thông, sản phẩm đủ cạnh tranh về chất lượng và giá cả thì ở đâu cũng có thể tiêu thụ được”- ông Đoàn nhấn mạnh.

Đừng nghĩ tới bảo hộ, hãy tìm sự kiên kết

Không phải đến khi thương vụ M&A đình đám giữa BJC và Metro được công bố người ta mới lo lắng nhiều đến thị trường bán lẻ trong nước. Thực tế vài năm trở lại đây, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo DN phân phối bán lẻ của Việt Nam nên tìm hướng đi mới cho mình. Nếu như 5-7 năm trước, việc bảo hộ thị trường phân phối bán lẻ được nhắc tới nhiều thì hiện nay đã không còn phù hợp, bởi nó ảnh hưởng tới cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO cũng như các hiệp định thương mại tự do khác, Chính phủ vì thế sẽ không thể bảo hộ sâu. Cần thay đổi tư duy cho thị trường phân phối bán lẻ bởi thực tế đã khác, “ngay cả đưa ra liều thuốc mạnh cũng không kích thích được khả năng cạnh tranh của DN nội với DN nước ngoài”- ông Đoàn nói.

Quá trình mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết WTO và khu vực Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) đã đến rất gần. Năm 2015, bán lẻ sẽ không có bất cứ rào cản nào đối với các nhà đầu tư ngoại và các hàng hóa thông thường của các nước Asean sẽ được bãi bỏ 100% thuế suất. Theo ông Đoàn, câu chuyện bây giờ là làm thế nào để có các DN nước ngoài đủ tiềm lực vào hỗ trợ DN Việt Nam cùng phát triển, tăng cường xuất khẩu hàng Việt trong hệ thống. DN bán lẻ trong nước nên tìm hướng liên doanh, liên kết để tăng khả năng quản trị và kinh nghiệm, đủ mạnh trước môi trường cạnh tranh, hướng phát triển mở rộng ra ngoài thị trường Việt Nam.

Phó Chủ tịch AVR  Phạm Đình Đoàn:

5 năm nữa, câu chuyện liên kết của ngày hôm nay sẽ cũ, lúc đó Việt Nam buộc phải mở cửa hoàn toàn lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ và sẽ không có DN nước ngoài nào muốn liên doanh với DN nội. Vì thế, cơ hội để DN bán lẻ trong nước đổi mới, tìm kiếm cơ hội liên doanh vẫn còn khá lớn vào lúc này.

Nguồn: Baocongthuong.com.vn