Cần nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của DN vừa và nhỏ Việt Nam, qua đó thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu và phát triển các ngành hàng xuất khẩu chính thông qua hệ thống xúc tiến thương mại trên phạm vi toàn quốc.

Đây là mục tiêu chính của Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương” đưa ra tại buổi Hội thảo quốc gia về kế hoạch phát triển xuất khẩu vùng diễn ra sáng 30/9 tại Hà Nội.

Hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chủ trì. Dự án sử dụng nguồn ODA không hoàn lại do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ, thực hiện trong 4 năm (2013-2017).

Báo cáo được đưa ra tại Hội thảo tập trung vào các nhóm hàng chính phân chia theo 3 miền Bắc-Trung-Nam. Các nhóm hàng chủ lực của từng vùng được xây dựng trên tiêu chí tính toán tiềm năng về vai trò của DNVVN trong ngành hàng nói chung và trong chuỗi xuất khẩu nói riêng; tính khả thi để triển khai để thu được kết quả nhất định trong 3 năm; khả năng tạo giá trị gia tăng mới và tạo vịêc làm cho lao động nông thôn.

Cụ thể, ở miền Bắc, các sản phẩm tập trung xuất khẩu gồm: Vải quả; chè, dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ, logistics, du lịch. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu chè xanh của miền Bắc chiếm 90% cả nước, vải quả chiếm 100%; dệt may 37%; giày dép 16% cần tiếp tục giữ vững và phát triển. Thủ công mỹ nghệ miền Bắc đang có 95 DN có khả năng xuất khẩu trực tiếp cần chú trọng thành lập Trung tâm Phát triển hàng Mây tre lá thuộc Vietcraft và phối hợp với các địa phương khác.

Du lịch của miền Bắc được nhận định là có khả năng đảm nhiệm vai trò xúc tiến thương mại hiệu quả bằng việc phát triển du lịch gắn với xuất khẩu vải quả (Hải Dương, Bắc Giang), nhãn (Hưng Yên); du lịch với xuất khẩu chè, rau tại Thái Nguyên, Yên Bái; gắn kết du lịch với xuất khẩu sản phẩm thêu ren, đan tết bện mây tre lá tại Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội.

Đối với miền Trung, ngành hàng cà phê đang xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới về lượng và thứ 3 về mặt giá trị; ngành hàng hạt điều và hồ tiêu Việt Nam đang ở vị trí xuất khẩu nhiều nhất thế giới; mật ong đang có tỷ trọng xuất khẩu thứ 6 thế giới và thứ 2 Châu Á. Tuy nhiên, các mặt hàng này vẫn xuất khẩu ở dạng thô vì thế việc xây dựng thương hiệu của Việt Nam và chỉ dẫn địa lý là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.

Báo cáo cũng đưa ra danh sách các mặt hàng tập trung xuất khẩu của khu vực miền Nam (Tây Nam Bộ) gồm: Gạo thơm, trái cây tươi, cá tra, may mặc, thủ công mỹ nghệ, du lịch. Riêng mặt hàng gạo thơm là mặt hàng Việt Nam mới tham gia xuất khẩu và chủ yếu xuất đi Châu Phi được nhận định còn nhiều tiềm năng. Vì thế, trong thời gian tới cần chú trọng đến việc chế biến tinh-chế biến sâu gạo thơm để nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng này và phát triển thương hiệu quốc gia.

Tương tự, với mặt hàng cá tra, mặc dù Việt Nam đang xuất khẩu chiếm hơn 95% cá da trơn, xuất khẩu nguyên liệu ở dạng đông lạnh nhưng chưa tham gia được thị trường bán lẻ. Thời gian tới, cá tra sẽ gặp khó khăn tại thị trường Mỹ khi Luật trang trại 2014 của Mỹ được áp dụng. Tại thị trường Châu Âu cá tra Việt Nam cũng đang bị cạnh tranh mạnh với cá minh thái, cá quyết và gặp tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe. Vì thế, việc truyền thông, quảng bá cải thiện hình ảnh sản phẩm cá tra thân thiện với môi trường đang cần ưu tiên, đồng thời các DN cũng phải kiểm soát chất lượng sản phẩm mới có hi vọng tăng tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này.

Nguồn: Chính phủ 

Nguồn: Tin tham khảo