Ngành công nghiệp phần mềm ở Việt Nam đang có mức tăng trưởng khá tốt, đạt từ 30-40% năm, tỷ trọng trên GDP chiếm 0,4% với hơn 720 doanh nghiệp và gần 9.000 kỹ sư, cử nhân CNTT đang được đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng hàng năm. So với nhu cầu hơn 1,5 triệu nhân lực thiếu hụt hiện nay trên thế giới, Việt Nam đang có lợi thế lớn bởi nguồn nhân lực trẻ.

Theo điều tra của Tổ chức xúc tiến xử lý thông tin (Tokyo), trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực trong nước, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đẩy mạnh việc chuyển giao phát triển phần mềm ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Riêng năm 2006, số tiền đối tác Nhật Bản phải trả cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã lên tới 430 triệu yên và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Trong số các khách hàng Nhật Bản, Hitachi Sofware (HS) xuất hiện khá sớm. Hiện nay, trong tổng số các đơn đặt hàng của HS, Việt Nam chiếm đến 23%.

Sở dĩ Việt Nam ngày càng “hút” các doanh nghiệp Nhật trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm thì họ đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam còn không ít trở ngại trong việc hợp tác với các đối tác Nhật Bản. Một trong những trở ngại trong việc hợp tác với các đối tác Nhật Bản đó là các kỹ sư của Việt Nam phải nâng cao trình độ sử dụng tiếng Nhật, khả năng làm việc nhóm, tôn trọng bí mật doanh nghiệp, tuân thủ thời gian nghiêm ngặt và hiểu về nền văn hoá Nhật Bản hơn nữa.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA), để nâng cao chất lượng nhân lực, từ đó thu hút được các đối tác nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng thì các trường có đào tạo ngành CNTT cần đầu tư sử dụng giáo trình và giảng viên quốc tế, tăng cường giảng dạy ngoại ngữ, hình thành hệ thống các trường đại học cao đẳng (ĐH, CĐ) chuyên ngành CNTT theo tiêu chuẩn quốc tế. Các trường này phải liên kết thu hút các doanh nghiệp phần mềm tham gia vào quá trình đào tạo.

(NLĐ)

<!--[if !supportEmptyParas]--> <!--[endif]-->

Nguồn: Vinanet