Hàng dệt may nhập khẩu vào Nhật Bản chia làm 4 nhóm:
Hàng thời trang cao cấp: loại hàng này mang tính thời trang từ màu sắc, mẫu mã, chất lượng, kiểu dáng và thường được nhập từ châu Âu và Mỹ.
Hàng từ nguyên liệu thô: ít có ở Nhật, ví dụ hàng Casomia, angora, mohair.
Sản phẩm dùng nhiều sức lao động: những sản phẩm làm bằng tay được sản xuất ở các nước có mức tiền lương thấp.
Sản phẩm thủ công truyền thống.
Quy định về luật liên quan đến nhập khẩu:
Hàng dệt may vào thị trường Nhật Bản không phải theo một quy định nào, hay nói cách khác là được nhập tự do vào Nhật. Hàng dệt may có sử dụng một p hần da hay phụ kiện da phải tuân thủ theo công ước Washington.
Về nhãn hiệu hàng hoá, Luật hàng hoá đạt chất lượng tốt yêu cầu hàng dệt may phải có nhãn hiệu với các thông tin sau:
Loại sợi dệt, tỉ lệ sợi pha
Cách giặt và sử dụng
Loại da được sử dụng
Nhãn phải ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại có thể liên hệ.
Quy định về thuế:
Nhìn chung mức thuế suất nhập khẩu hàng dệt may thông thường là 14-16,8%, mức thuế đối với áo sơ mi thì thấp hơn: từ 9-11,2%. Nước được áp dụng chế độ ưu đãi theo Hệ thống thuế quan phổ cập (GSP) thì mức thuế thấp theo điều kiện phân bổ trước hoặc miễn thuế.
Kênh phân phối:
Hàng may mặc nhập khẩu từ nước ngoài luôn đi qua hệ thống phân phối bắt đầu từ các công ty thương mại tổng hợp hoặc công ty chuyên ngành, sau đó đến các nhà bán buôn, những người bán lẻ, cuối cùng là người tiêu dùng. Hoặc, khâu nhập khẩu sẽ do chi nhánh các công ty thương mại tại nước xuất xứ tiến hành, sau đó hàng sẽ được chuyển qua công ty mẹ tại Nhật hoặc giao cho các hãng may hoặc cửa hàng bán lẻ.
Các đặc điểm cần lưu ý:
Đối với hàng dệt may, thị trường tiêu dùng Nhật Bản là một thị trường phát triển. Yếu tố giá cả không phải là yếu tố quyết định thành công của nhà xuất khẩu nước ngoài. Quan trọng hơn, các nhà xuất khẩu và các nhà sản xuất phải tạo dựng được tiếng tăm và uy tín sản phẩm của mình thì mới có cơ hội lâu dài. Sản phẩm nào đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về chất liệu, trình độ kỹ thuật, tay nghề thì sẽ có ưu thế cạnh tranh. Vì vậy, cần phải lưu ý những điểm sau:
Thời gian giao hàng: phải đặc biệt chú ý đến sản phẩm mang tính thời vụ và các sản phẩm thời trang nhất là khi các sản phẩm được xuất khẩu từ miền Nam. Bởi vậy, các nhà sản xuất phải tính kỹ từng công đoạn trước khi xuất khẩu như thời điểm thu mua nguyên vật liệu, tập trung phụ kiện, thời gian chuyên chở. Tránh trường hợp hàng đến được nơi tiêu thụ thì thời tiết không còn phù hợp nữa.
Quy mô các lô hàng xuất khẩu: khác với xuất khẩu sang châu Âu thường là các lô hàng lớn, xuất khẩu sang Nhật Bản thường là các lô hàng nhỏ, chủng loại đa dạng, vòng đời sản phẩm ngắn.
Các tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng: rất nhiều sản phẩm được cấp giấy chứng nhận chất lượng ở nước xuất khẩu nhưng lại không đạt yêu cầu khắt khe khi vào thị trường Nhât. Tiêu chuẩn chất lượng châu Âu và Hoa Kỳ đều chú ý vào hình thức bên ngoài mà không đi sâu vào chi tiết bên trong, chủ yếu liên quan đến tay nghề công nhân. Nhưng người tiêu dùng Nhật Bản lại luôn có xu hướng đòi hỏi sự hoàn hảo trong toàn bộ sản phẩm họ mua. Họ chý ý đến cả những khuyết tật nhỏ nhất trên sản phẩm như vết xước, vết rạn, ngay cả khi những tỳ vết này là đặc điểm cố hữu trên nguyên liệu sử dụng.

Nguồn: Vinanet