Vừa qua, đáp trả trừng phạt của EU trong các vấn đề tài chính, dầu mỏ và quân sự, Matxcova đã đưa ra lệnh cấm nhập thực phẩm một năm nhằm chống lại Mỹ, EU, Na Uy, Australia và Canada. Đây được xem như cơ hội mới nhưng cũng đầy thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam thuộc các ngành hàng nông, lâm, thủy sản.

Nga - Thị trường đầy hấp dẫn

Với GDP khoảng 1.500 tỷ USD, trên 143 triệu người tiêu dùng, trong đó tầng lớp trung lưu ngày một phát triển, Liên bang Nga là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam như: thủy hải sản, cà phê, chè, rau, củ, quả tươi và đông lạnh… Hiện nay, những mặt hàng này của Việt Nam xuất khẩu sang Nga đã được giảm thuế, thấp hơn từ 30 - 50% so với thời điểm Nga chưa là thành viên của WTO. Cụ thể, theo cam kết về thuế quan và hạn ngạch của Nga khi gia nhập WTO, mức thuế nhập khẩu trung bình của hàng hóa xuất vào Nga hiện nay ở mức 7,8% so với 9,5% trước đây. Mức thuế trung bình của nhóm hàng nông sản là 10,8% so với trước 13,2%.

Mặt khác, Nga ngày càng mở rộng quan hệ thương mại với các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc tăng cường hợp tác thương mại với Nga do hai nước có truyền thống chính trị - ngoại giao - kinh tế - xã hội. Hiện nay, người Việt Nam đang kinh doanh tại Nga có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước. Nhiều trung tâm thương mại của người Việt đã ra đời và hoạt động hiệu quả như Togi, Sông Hồng, Bến Thành…

 Từ những năm 90 đến nay, Nga vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, thị phần xuất khẩu các nhóm hàng trên của Việt Nam vẫn chưa đáng kể so với nhu cầu của thị trường này và chưa tương xứng với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.

Đâu là rào cản cần vượt qua?

Mặc dù đầy sức hấp dẫn nhưng hiện nay, sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia có nguồn cung tương tự tại thị trường Nga về giá cả, mẫu mã, bao bì, chất lượng, vận chuyển… Các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, về kiểm dịch chất lượng mà Nga áp dụng với các mặt hàng này của Việt Nam tương đối chặt chẽ. Vì vậy, sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam hạn chế so với các quốc gia khác. Về thuế, một số mặt hàng của Việt Nam vẫn bị áp tương đối cao như chè đóng túi, gạo dưới 3kg bị áp thuế 40%.

Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nga đều phàn nàn về vấn đề thanh toán giữa doanh nghiệp hai nước gặp nhiều khó khăn do hệ thống chuyển đổi giữa đồng Rúp và đồng Việt Nam chưa thuận tiện. Các ngân hàng của Nga không dễ cho mở LC và phí mở rất đắt. Các doanh nghiệp bên Nga thường chọn phương thức thanh toán trả chậm. Bên Nga sẽ đặt cọc 20 -30% và trả lại 70 -80% còn lại sau khi nhận hàng. Trong khi đó, ngân hàng Việt Nam chưa có chế độ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong bán hàng trả chậm cho phía Nga. Dẫn đến nhiều doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với các khoản nợ khó đòi từ phía đối tác Nga.

Đại diện HH cà phê ca cao Việt Nam chia sẻ, ngành cà phê chiếm lĩnh các thị trường khác trên thế giới nhưng với thị trường Nga còn hạn chế do doanh nghiệp hai phía thiếu thông tin về nhau. Mặt khác, vấn đề thanh toán với Nga cũng rất khó khăn. Những chính sách phía bạn về hải quan, thủ tục khác đều vướng mắc nên đã tạo ra các rào cản để đẩy mạnh xuất khẩu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nga đều mong muốn, Chính phủ hai nước giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc này, để việc giao thương giữa hai nước thuận lợi hơn.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), đã đưa các đề xuất đối với chính phủ Nga nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Đồng thời, các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội chung tay phối hợp tháo gỡ khó khăn trong các vấn đề về cạnh tranh, rào cản kỹ thuật, thuế, thanh toán và vận tải. Đại diện thương mại phía Nga cho biết, chính phủ hai nước cũng đang tiến hành ký kết hiệp định tự do thương mại. Hy vọng, với sự nỗ lực của các bên, cánh cửa vào thị trường Nga rộng mở hơn với doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn: Congluan.vn

Nguồn: Vinanet