Quy chế GSP Hoa Kỳ dành mức thuế ưu đãi 0% cho một số chủng loại hàng hóa của các nước đang phát triển và kém phát triển, với mục đích thúc đẩy tăng trưởng thương mại, tạo cơ sở hỗ trợ phát triển kinh tế cho các quốc gia này.

Tháng 12/2007, trong phiên họp cấp Bộ trưởng đầu tiên của Hội đồng Liên chính phủ về hợp tác theo khuôn khổ của Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA), gọi tắt là Hội đồng TIFA, phía Việt Nam cũng đã đưa ra một số vấn đề chính đề nghị Hoa Kỳ lưu ý trong đó có vấn đề liên quan đến việc dành GSP cho một số hàng hóa XK của Việt Nam. Việc chưa có được ưu đãi này khiến cho nhiều mặt hàng XK của Việt Nam phải chịu bất lợi khi cạnh tranh với hàng hóa cùng loại từ các nước đang phát triển được hưởng GSP tại thị trường Hoa Kỳ. Hiện có khoảng 4.650 sản phẩm từ 144 nước và vùng lãnh thổ được hưởng ưu đãi này của Hoa Kỳ, trong đó không có Việt Nam (thống kê của USTR đến ngày 14/8/2006). Những hàng hoá được hưởng GSP của Hoa Kỳ bao gồm hầu hết các sản phẩm công nghiệp và bán công nghiệp, một số mặt hàng nông thủy sản và các nguyên liệu công nghiệp…

Là thành viên WTO, hàng hóa Việt Nam XK sang Hoa Kỳ được hưởng mức thuế đối với hàng hóa từ các nước thành viên WTO. Tuy nhiên, đây chỉ là mức thuế thông thường (NTR) mà Hoa Kỳ áp dụng đối với đa số các đối tác thương mại chứ không phải là ưu đãi thuế. Chương trình GSP của Hoa Kỳ được thực hiện từ 1/1/1976 với thời hạn ban đầu là 10 năm. Hàng năm, trên cơ sở đề xuất của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), sau khi tham khảo ý kiến Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ (ITC) và các cơ quan hành pháp, Tổng thống Hoa Kỳ là người ký quyết định những mặt hàng và những nước được hưởng GSP. Để được miễn thuế nhập khẩu theo chế độ ưu đãi này:

+Thứ nhất, hàng phải được nhập trực tiếp từ nước hưởng lợi vào lãnh thổ hải quan Hoa Kỳ.

+Thứ hai, ít nhất 35% trị giá hàng hoá phải được tạo ra tại nước hưởng lợi. Những mặt hàng không được đưa vào diện hưởng GSP bao gồm một số mặt hàng hàng dệt may; đồng hồ; các mặt hàng điện tử nhập khẩu nhạy cảm; các mặt hàng thép NK nhạy cảm; giầy dép, túi xách tay, các loại bao ví dẹt, găng tay lao động, quần áo da; và các sản phẩm thuỷ tinh bán công nghiệp và công nghiệp NK nhạy cảm. Đứng đầu nhóm 10 sản phẩm NK nhiều nhất theo chương trình GSP Hoa Kỳ là: dầu thô (HS 2709.00.20); đồ trang sức (HS 7113.19.50); Methanol (HS 2905.11.20); tấm gỗ dán (HS 4412.19.40); lốp dùng cho xe máy (HS 8708.70.45)…

Trên cơ sở phân tích tổng hợp các số liệu của hải quan Hoa Kỳ, Việt Nam có thể hưởng lợi tương đối từ chương trình GSP Hoa kỳ, xét trên giá trị kim ngạch của tổng các mặt hàng. Cụ thể, có khoảng 1.000 mặt hàng theo mã HS 8 số mà Việt Nam XK vào Hoa Kỳ nằm trong danh mục các sản phẩm được hưởng GSP Hoa Kỳ cho năm 2006. Mức tăng của các mặt hàng này cũng khá cao, trung bình 50% một năm. Những mặt hàng này cũng là nhóm những mặt hàng được các nước XK tương đối lớn vào Hoa Kỳ dưới chương trình GSP. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia thương mại trong nước, các mặt hàng của Việt Nam XK sang Hoa Kỳ chủ yếu có kim ngạch nhỏ, dưới 1 triệu USD/năm. Mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, giúp đẩy giá trị tổng kim ngạch của Việt Nam lên cao là mặt hàng xăng dầu với mã HS 2709.00.20. Do vậy, để có thể tận dụng tốt những lợi ích từ GSP, Việt Nam cần xây dựng một đề án nhằm lựa chọn mặt hàng trọng tâm và phát triển khả năng XK của các mặt hàng này vào thị trường Hoa Kỳ.

Nhận định về khả năng Hoa Kỳ sớm dành cho Việt Nam Quy chế GSP trong năm 2008 là hoàn toàn có đủ điều kiện. Việt Nam đã đạt được những bước tiến dài trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang còn là một nước đang phát triển, đòi hỏi sự hỗ trợ từ cộng đồng thế giới để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế của mình. Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) là một bước tiến quan trọng, tạo tiền đề cho các bước tiến tiếp theo của Việt Nam như việc gia nhập WTO; việc ký kết Hiệp định Khung Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ. Những bước tiến này đã đưa quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, thiết lập nên một kế hoạch hợp tác sâu rộng vì mục tiêu phát triển kinh tế thương mại chung cho cả hai nước. Và việc Hoa Kỳ sớm dành Quy chế GSP cho Việt Nam sẽ là bước tiếp theo trong quá trình này.

 (Công Thương)

Nguồn: Vinanet