Việc tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam để nắm bắt cơ hội tại các thị trường xuất khẩu lớn sau khi ký kết các Hiệp định Thương mại tự do FTA có ý nghĩa vô cùng quan trọng, trong đó công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường giữ vị trí trọng tâm.
Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á - Âu. Chúng ta cũng đang tiếp tục đàm phán các FTA với các đối tác quan trọng khác. Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), việc đàm phán, ký kết và thực hiện các FTA có ý nghĩa rất quan trọng, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại các thị trường phát triển, quy mô lớn và nhiều tiềm năng. Nhờ các cam kết cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn, ổn định và minh bạch hơn khi tiếp cận thị trường các đối tác FTA. Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, việc được tiếp cận thị trường một cách tự do và được bảo hộ tạo ra lợi thế quan trọng giúp các DN Việt Nam cạnh tranh với các đối thủ khác. Đồng thời, môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định với độ mở cao cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các dự án hợp tác, đầu tư; qua đó, tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh, tham gia chuỗi giá trị ở phạm vi khu vực và thế giới. Đây là mục tiêu chiến lược, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững với hiệu quả cao cho các DN và nền kinh tế của chúng ta.
Ngay tại thị trường nội địa, việc các DN đối mặt và vượt qua các thách thức từ cạnh tranh do các Hiệp định FTA tạo ra cũng là cơ hội để chúng ta đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh cho mục tiêu phát triển. Với vai trò là cơ quan đầu mối về hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) của Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, các hoạt động XTTM đã được Cục XTTM cùng hệ thống các cơ quan XTTM địa phương, các hiệp hội, ngành hàng… triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, tận dụng tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, địa bàn và quy mô khác nhau nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường cả trong nước và xuất khẩu.
Ví dụ tiêu biểu là Chương trình XTTM quốc gia với 3 mục tiêu chính là: XTTM định hướng xuất khẩu, XTTM thị trường trong nước và XTTM miền núi, biên giới, hải đảo. Theo thống kê, các hoạt động thuộc Chương trình XTTM quốc gia giai đoạn 2010 - 2014 đã thu hút hơn 21.000 lượt DN tham gia, các DN đã trực tiếp giao dịch và ký kết hợp đồng với tổng trị giá hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và doanh số bán hàng đạt gần 5,3 tỷ USD và trên 1.000 tỷ đồng.
Năm 2015, Bộ Công Thương đã sớm phê duyệt 212 đề án XTTM quốc gia với tổng kinh phí là 100 tỷ đồng ngay từ cuối năm 2014. Việc phê duyệt sớm đã tạo điều kiện chủ động đẩy nhanh và tăng cường được hiệu quả Chương trình XTTM quốc gia.
Các DN xuất khẩu và các đơn vị chủ trì hoạt động đều đánh giá Chương trình XTTM quốc gia đã hỗ trợ tích cực, hiệu quả việc xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Ngoài ra, chương trình cũng chú trọng đẩy mạnh hoạt động XTTM đối với các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như ngành dệt may, da giày, công nghệ thông tin, điện, điện tử, dược, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, thép…
Với sự hỗ trợ từ Chương trình XTTM quốc gia, sự hiện diện của sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng mở rộng. Đồng thời, Chương trình đã hỗ trợ DN tiếp tục quay trở lại thị trường Liên bang Nga, các nước Đông Âu, tăng cường hoạt động tại thị trường Myanmar, Lào, các nước Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh…
Song song với các hoạt động hội chợ, triển lãm, Cục XTTM còn tích cực hỗ trợ DN tìm kiếm thông tin, phân tích thị trường, nghiên cứu xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, dịch vụ thông qua việc triển khai Chương trình Thương hiệu quốc gia. Hiện tại, Cục XTTM đang hướng tới thành lập Diễn đàn Thương hiệu quốc gia với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thông qua thương hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
Tiếp đến là hoạt động cung cấp thông tin thị trường đã cung cấp cho DN trực tiếp khai thác thông tin thông qua các hình thức trực tuyến, phát hành Bản tin xuất khẩu, các ẩn phẩm XTTM phục vụ xuất khẩu, xây dựng mạng lưới chia sẻ thông tin XTTM giữa các tổ chức XTTM, hiệp hội, địa phương, DN, hướng dẫn, khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động XTTM.
Tham mưu đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và khuyến khích hoạt động XTTM.
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hoạt động XTTM thời gian tới sẽ tập trung hỗ trợ các DN khai thác có hiệu quả các lợi ích từ các FTA mang lại, thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Đồng thời, thông qua hoạt động XTTM giúp các DN từng bước phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, tiến tới xuất khẩu giá trị cao và bền vững.
Sau nhiều năm mở cửa, hội nhập, chúng ta đã từng bước quan tâm, đầu tư cho hoạt động XTTM. Tuy nhiên, đứng trước những đòi hỏi của giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mới và thời kỳ phát triển mới về chất của nền kinh tế, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư cho công tác XTTM ngày càng cao.
Các nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển trên thế giới từ lâu đã đầu tư mạnh mẽ cho mạng lưới các cơ quan XTTM trong và ngoài nước để triển khai rầm rộ các hoạt động XTTM với mục tiêu lâu dài là hỗ trợ DN trong bối cảnh kinh tế quốc tế ngày càng “phẳng” và cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay. Trong khi đó, đầu tư cho XTTM của nước ta còn nhiều hạn chế. Ví dụ, kinh phí dành cho Chương trình XTTM quốc gia của Việt Nam hiện nay tính trên kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 0,003% (so với mức trung bình của thế giới là 0,11%, theo số liệu của World Bank - 2010). Tính theo tỷ lệ phần trăm, chỉ tương đương 1/4 kinh phí của Bangladesh, bằng 1/10 so với Thái Lan. Trên thực tế, Bộ Công Thương gặp rất nhiều khó khăn trong việc phê duyệt Chương trình. Nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao và thiết thực phục vụ trực tiếp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và an sinh xã hội; nhưng do không có kinh phí nên chưa được đưa vào thực hiện.
Bên cạnh đó, hạ tầng XTTM của nước ta so với các nước trong khu vực còn thấp kém, các trung tâm hội chợ triển lãm hiện tại chưa thể đáp ứng việc tổ chức các hoạt động có quy mô lớn, thiết kế không phù hợp với các hoạt động XTTM hiện đại, đã xuống cấp do sử dụng nhiều năm. Nhiều địa phương chưa có trung tâm hội chợ triển lãm hoặc đã có nhưng đã được chuyển đổi chức năng sử dụng.
Ngoài vấn đề nguồn lực đầu tư hạn chế, năng lực triển khai các hoạt động XTTM nhìn chung còn hạn chế, đặc biệt đối với các DN nhỏ và vừa, các DN không có định hướng dài hạn và quyết tâm phát triển với tầm nhìn chiến lược…
Nguồn: Báo Công thương điện tử