Trong chuyến công tác tại Senegal từ ngày 9 đến 16/11/2017, Đại sứ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal Phạm Quốc Trụ và Tham tán Thương mại Hoàng Đức Nhuận đã có các cuộc gặp và làm việc với ông Aya Abdoul KANE, Bộ trưởng Bộ Bưu chính-Viễn thông, bà Khoudia Mbaye, Bộ trưởng Bộ Xúc tiến Đầu tư và Đối tác, ông Moustapha Lo DIATTA, Quốc Vụ khanh Bộ Nông nghiệp và Trang thiết bị Nông thôn, ông Makhtar LAKH, Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại Senegal, ông Daouda THIAM, Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp, Nông nghiệp thủ đô Dakar và ông Dominique NDONG, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan xúc tiến đầu tư Senegal. 
Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên đã điểm lại tình hình hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước trong thời gian qua và bàn các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trong thời gian tới.
Việt Nam và Senegal thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/12/1969. Hai nước đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật (1995), Hiệp định hợp tác ba bên giữa Việt Nam-FAO- Xê-nê-gan (1996) và Thỏa thuận hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và Công nghiệp (2012). Từ 1997-2005, Việt Nam đưa 165 lượt chuyên gia nông nghiệp, kỹ thuật viên sang làm việc tại Senegal. Bạn đánh giá rất cao hiệu quả làm việc của chuyên gia ta.
Hai bên đã trao đổi một số đoàn cấp cao, gần đây nhất là chuyến thăm Senegal của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ vào tháng 11/2014.
Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại Senegal tiếp Đại sứ Việt Nam Phạm Quốc Trụ
Năm 2012, Bộ Công Thương đã tổ chức đoàn doanh nghiệp sang khảo sát thị trường, XTTM tại Senegal. Nhân dịp này hai bên đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp với sự tham gia của khoảng 100 doanh nghiệp. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước đã ký MOU về hợp tác.
Về trao đổi thương mại, ba năm trở lại đây, quan hệ thương mại giữa hai nước nhất là xuất khẩu gạo của Việt Nam có xu hướng giảm sút. 
Năm 2015, theo Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại chỉ đạt 46,16 triệu USD, bằng một nửa so với năm 2014 trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đạt 39,66 triệu USD và nhập khẩu của Việt Nam từ Senegal đạt 6,5 triệu USD. Trong 9 tháng đầu năm 2016, kim ngạch song phương đạt 41,28 triệu USD tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal chỉ đạt 22,47 triệu USD giảm 32% trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ Senegal đạt 18,81 triệu USD, tăng hơn ba lần. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm hạt tiêu, dệt may, linh kiện xe máy, kẹo bánh, sản phẩm từ ngũ cốc, trái cây, sản phẩm chất dẻo. Những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Senegal gồm hạt điều, hải sản, bông, sắt thép phế liệu…
 
Quốc Vụ khanh Bộ Nông nghiệp Senegal tiếp đoàn Đại sứ quán Việt Nam
Nhân dịp này, phía Bạn đã giới thiệu đôi nét về tình hình kinh tế của Senegal. Từ nhiều năm nay, Senegal luôn có tỷ lệ tăng trưởng thuộc hạng cao nhất Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) gồm 8 quốc gia nói tiếng Pháp. Những cuộc cải cách cơ cấu đã giúp nước này có sự thay đổi lớn về môi trường kinh tế, nhất là nhờ tư nhân hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Senegal cũng đã phát hiện thêm các mỏ khí gần biên giới với Mauritania và phía Nam thủ đô Dakar, mang lại hi vọng có thể thúc đẩy và đa dạng hóa nền kinh tế. Năm 2016, GDP của Senegal ước đạt 15,20 tỷ USD, tăng 5,9%. Trong cơ cấu kinh tế, lĩnh vực dịch vụ đóng góp tới 60% GDP và đang phát triển mạnh nhờ thu hút đầu tư vào các dịch vụ viễn thông và internet. Nông nghiệp đóng góp 15,8% GDP và công nghiệp 23,5%.
Hiện nay, Senegal đang tích cực thực hiện “Kế hoạch Senegal nổi lên” do Tổng thống đương nhiệm Macky Sall khởi xướng từ năm 2014 nhằm đưa nước này trở thành một nền kinh tế mới nổi vào năm 2035. Kế hoạch dựa trên ba cột trụ chính là chuyển đổi về cơ cấu các cơ sở kinh tế, phát huy nguồn lực con người và hướng tới việc Chính phủ điều hành tốt hơn, xây dựng một Nhà nước pháp quyền.
Đoàn Đại sứ quán làm việc với Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp thủ đô Dakar
Từ 5 năm nay, Senegal đã đẩy mạnh triển khai chính sách tự túc lương thực bằng cách phát triển trồng lúa nước. Dự kiến trong năm 2017, Senegal sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra, vì vậy nhu cầu nhập khẩu gạo những năm gần đây giảm mạnh.
Năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu của Senegal ước đạt 2,31 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm có sản phẩm dầu lửa, dầu thô, hải sản, hóa chất, vô cơ, muối, lưu huỳnh, xe hơi, phốt phát, hải sản, bông, điều. Về nhập khẩu của Senegal, kim ngạch đạt 4,92 tỷ USD gồm các mặt hàng lương thực thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp, dầu lửa. 
Bên cạnh hoạt động thương mại thông thường, phía Senegal cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, liên doanh liên kết tại Senegal để tận dụng vị trí cửa ngõ của khu vực Tây Phi, dân số trẻ, tình hình chính trị ổn định, cảng biển, sân bay quốc tế thuận lợi, luật đầu tư thông thoáng hấp dẫn, các khu chế xuất, đặc khu kinh tế, thành phố thông minh, nhất là những ưu đãi về thuế mà nước này được hưởng khi xuất khẩu sang Liên minh kinh tế tiền tệ Tây Phi (UEMOA), Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (CEDEAO), EU và thị trường Hoa Kỳ. Các lĩnh vực có tiềm năng hợp tác là viễn thông, xây dựng, nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất hàng công nghiệp như dệt may, da giày, chế biến nông sản. 
Nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế song phương, hai bên nhất trí Việt Nam và Senegal cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý như đàm phán và ký MOU về hợp tác thương mại và công nghiệp, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần…; Xem xét khả năng thành lập Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước; Thực hiện nội dung thỏa thuận đã ký giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước năm 2012; Thành lập Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam-Senegal; Tăng cường trao đổi các đoàn cấp Bộ, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tham dự các hội chợ triển lãm quốc tế lớn tổ chức tại mỗi nước như Vietnam Expo của Việt Nam và Foire internationale de Dakar của Senegal;  Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tiềm năng thị trường của nhau, các cơ hội kinh doanh, đầu tư thông qua tổ chức hội thảo, phát hành bản tin, viết tin bài trên các báo, tạp chí…; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên sang đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau; Tích cực tham gia các hoạt động XTTM trong khuôn khổ Tổ chức quốc tế Pháp ngữ;  Phát huy vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao như Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria, Đại sứ quán Senegal tại Algeria, Trung Quốc… trong việc trao đổi thông tin, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại An-giê-ri/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương