Thẩm định tài chính các dự án vay lại

Theo Thông tư số 79/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thẩm định tài chính các chương trình, dự án vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, việc thẩm định được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm tính khách quan, minh bạch và thận trọng. Cơ quan quyết định đầu tư chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, quyết định dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Người vay lại chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp lệ, hợp lý, đúng pháp luật của số liệu, thông tin, thông số, dữ liệu đầu vào cung cấp cho cơ quan thẩm định phục vụ cho việc tính toán phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay của dự án và năng lực tài chính của người vay lại.

Sau khi nhận được báo cáo kết quả thẩm định do cơ quan cho vay lại gửi, Bộ Tài chính xem xét tính phù hợp về hồ sơ thẩm định, quy trình và phương pháp thẩm định được áp dụng tại cơ quan cho vay lại; xem xét hướng xử lý các khác biệt về quan điểm, đánh giá về khả năng trả nợ giữa người vay lại và cơ quan cho vay lại; đánh giá về kết quả thẩm định của Cơ quan cho vay lại; xem xét khuyến nghị của Người vay lại, Cơ quan cho vay lại về giải pháp bảo đảm, hỗ trợ cần thiết từ Người vay lại hoặc bên thứ ba trong trường hợp dự án thiếu nguồn trả nợ tạm thời.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-7-2016.

Đưa 40% phí vào Quỹ Tích lũy trả nợ

Cũng về nội dung cho vay lại vốn, tại Thông tư số 74/2016/TT-BTC về việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh tại Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính quy định: Số tiền thu được từ phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh được trích 40% đưa vào Quỹ Tích lũy trả nợ; 60% còn lại được sử dụng để bổ sung kinh phí hoạt động của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại.

Khoản trích từ phí cho vay lại và phần trích phí bảo lãnh được để lại được đưa vào chi tăng cường hiệu quả công tác quản lý nợ công như xây dựng, duy trì, nâng cấp cơ sở dữ liệu nợ công; các hoạt động nghiệp vụ quản lý nợ;  trang bị cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác quản lý nợ công; chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp trực tiếp cho hoạt động quản lý nợ công,...

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15-7-2016 và thay thế Thông tư số 29/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ phí cho vay lại và phí bảo lãnh được trích tại Bộ Tài chính giai đoạn 2012-2015.

Điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh

Tháng 1-2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 42/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Trong đó quy định: Tổ chức kinh doanh chứng khoán được kinh doanh chứng khoán phái sinh sau khi đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh.

Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh bao gồm: Là tổ chức kinh doanh chứng khoán đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 42; trích lập đầy đủ các khoản dự phòng theo quy định và không có lỗ trong 2 năm gần nhất; tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất trước tháng nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh; báo cáo tài chính của năm tài chính gần nhất đã được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền quyết định đình chỉ tối đa 12 tháng đối với một hoặc một số hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh.

Tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh chỉ được phục hồi hoạt động kinh doanh sau khi đã khắc phục được hết các hành vi dẫn tới bị đình chỉ hoạt động. Tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-7-216.

Điều kiện hỗ trợ lãi suất cho bảo vệ và phát triển rừng

Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 81/2016/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hỗ trợ lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020.

Theo Thông tư, điều kiện để được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất là đã ký hợp đồng và đã được giải ngân tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam từ ngày 2-11-2015 đến hết ngày 31-12-2020 theo đúng quy định tại Điều 8 Nghị định số 75 và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nếu các khoản vay (gồm cả gốc và lãi) bị quá hạn trả nợ hoặc được gia hạn nợ thì không được hỗ trợ lãi suất đối với khoảng thời gian khoản vay bị quá hạn trả nợ hoặc được gia hạn nợ, trừ các trường hợp khoản cho vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được gia hạn nợ theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 29-7-2016.

Giảm mức phạt chậm nộp xuống 0,03%

Ngày 6-4-2016, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế.

Trong đó, khoản 3, điều 3 quy định: Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Mức này giảm 0,02% so với mức lãi suất hiện hành được quy định tại Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.

Nội dung này sẽ chính thức được áp dụng từ 1-7.

Nguồn: baohaiquan.vn