Sau quá trình lấy ý kiến góp ý, đến nay nhiều hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đánh giá các nội dung tại Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu đã khá tiệm cận với yêu cầu thực tế, hài hòa mục tiêu vừa đảm bảo chất lượng hàng hóa, vừa tạo bình đẳng trong kinh doanh măt hàng ô tô, tuy nhiên vẫn còn một vài điểm băn khoăn.

Phát biểu tại Hội thảo đóng góp ý kiến với Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu do Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) tổ chức mới đây tại Hà Nội, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Nội dung dự thảo mới đã có sự tiếp thu đáng kể ý kiến đóng góp, chỉnh sửa khá phù hợp.

Đặc biệt tại dự thảo trước đây có quy định, trong hồ sơ đăng ký kiểm tra, doanh nghiệp phải nộp “Bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng” gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp thì tại dự thảo mới nhất, quy định này đã tách ra để một số phương thức kiểm tra, doanh nghiệp không đáp ứng được quy định có thể lựa chọn các giải pháp thay thế.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An, đại diện cho 50 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô vừa và nhỏ nhấn mạnh: Nếu vẫn giữ nguyên nội dung tại dự thảo cũ, các doanh nghiệp nhập khẩu xe không chính hãng sẽ phải “bó tay”, không đáp ứng nổi. Tuy nhiên, khi ban soạn thảo có sự điều chỉnh, doanh nghiệp đã cảm thấy khá hài lòng bởi vẫn có hướng đi cho mình.

Trong Dự thảo Thông tư mới nhất, ban soạn thảo đã bổ sung quy định về hậu kiểm.  Đây là quy định được bổ sung nhằm triển khai Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ. Mục đích của quy định này là giảm thời gian và chi phí trong quá trình thông quan hàng hóa. Thông qua việc hậu kiểm, nếu phát hiện vi phạm thì tùy vào mức độ vi phạm thì cơ quan kiểm tra sẽ có các biện pháp tương ứng đối với người nhập khẩu và phương tiện. Đánh giá về việc bổ sung quy định này, đại diện VCCI nhấn mạnh, đây là bước chuyển biến khá rõ nét, cần thiết, thể hiện sự cầu thị cao độ của ban soạn thảo.

Tuy nhiên, một trong những nội dung khá mới mẻ được đưa vào Dự thảo Thông tư lần này là, khi các xe đã được nhập khẩu bị phát hiện có lỗi thì người nhập khẩu có trách nhiệm triệu hồi xe cơ giới nhập khẩu theo công bố của nhà sản xuất hoặc yêu cầu của cơ quan kiểm tra. Trong trường hợp người nhập khẩu không thực hiện quy định, cơ quan kiểm tra sẽ tạm dừng việc xác nhận vào Hồ sơ đăng ký kiểm tra, chứng nhận chất lượng với nhãn hiệu thuộc diện triệu hồi.

Ông Đoàn Trần Thái, thành viên Tiểu ban kỹ thuật Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng: Việc triệu hồi xe sẽ không làm được nếu thiếu sự hỗ trợ của nhà sản xuất. Quy định triệu hồi này trong Dự thảo Thông tư còn khá sơ sài, chủ yếu kiểm soát tại cảng với các xe chưa thông quan. Trong khi đó, thị trường hiện nay có hàng nghìn nhà nhập khẩu, không hiểu việc này sẽ được kiểm soát như thế nào?

“So với xe sản xuất, lắp ráp trong nước hiện nay, các doanh nghiệp nhập khẩu xe chính hãng khi muốn triệu hồi sản phẩm phải có giải trình gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam báo cáo phương án xử lý. Bên cạnh đó, cứ sau ba tháng doanh nghiệp phải báo cáo tiến độ. Trong khi đó, tại Dự thảo Thông tư không đưa ra quy định nào cụ thể đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe nhỏ lẻ. Cục Đăng kiểm Việt Nam nên cân nhắc để đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn trong kiểm soát triệu hồi xe lỗi”, ông Thái nhấn mạnh.

Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh: Sau Hội thảo này, Cục sẽ một lần nữa tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp từ phía các hiệp hội, doanh nghiệp, sau đó hoàn thiện Dự thảo Thông tư để báo cáo Bộ Giao thông vận tải nhằm đưa ra quyết định cuối cùng. Dự kiến, Dự thảo Thông tư sẽ được hoàn thành, thông qua từ nay tới hết năm để bắt đầu áp dụng vào đầu năm 2017.

Nguồn: baohaiquan.vn