Nghị định này nâng mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực thủy sản lên mức 1 tỷ đồng (so với mức 100 triệu đồng theo quy định cũ của Nghị định 103/2013).
Theo đó, Vi phạm quy định về nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh đối với thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản sẽ bị xử phạt như sau:
1. Phạt tiền đối với một trong các hành vi vi phạm về nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh đối với thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp như sau:
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với lô hàng dưới 100 kg;
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với lô hàng từ 100 kg đến dưới 500 kg;
- Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với lô hàng từ 500 kg đến dưới 1.000 kg;
- Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng đối với lô hàng từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg;
- Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với lô hàng từ 2.000 kg trở lên.
2. Đối với hành vi xuất khẩu trái phép loài thủy sản không đáp ứng được điều kiện trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện phạt tiền như sau:
a) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với lô hàng dưới 100 kg;
b) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với lô hàng từ 100 kg đến dưới 500 kg;
c) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với lô hàng từ 500 kg đến dưới 1.000 kg;
d) Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng đối với lô hàng từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg;
đ) Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với lô hàng từ 2.000 kg trở lên.
3. Còn đối với hành vi NK trái phép loài thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng .
Ngoài ra, tịch thu lô hàng đối với hành vi vi phạm quy định. Và buộc tái xuất loài thủy sản hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng trường hợp đáp ứng đủ điều kiện chuyển đổi hoặc tiêu hủy trong trường hợp không thể tái xuất hoặc chuyển mục đích sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 nêu trên.
Còn với trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân. Nghị định này cũng quy định chi tiết hơn về 8 hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
Cụ thể, mức xử phạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng được áp dụng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm sau:
Chủ tàu sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam.
Chủ tàu khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn.
Tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn.
Bên cạnh đó, một số hình thức phạt bổ sung bao gồm tịch thu thủy sản khai thác, chuyển tải trái phép đối với hành vi vi phạm quy định; tịch thu tàu cá đối với hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định…
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chủ tàu cá phải chi trả toàn bộ kinh phí đưa ngư dân bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước và các chi phí liên quan khác đối với hành vi vi phạm quy định.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 05/7/2019.
Nguồn: VITIC