Ngày 23/3/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 07/2022/TT-BCT về việc hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Thông tư này đã hướng dẫn cụ thể biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp và biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp.
Theo đó, các biện pháp phòng vệ thương mại trong RCEP tại Thông tư số 07/2022/TT-BCT của Bộ Công thương hướng dẫn như sau: Cơ quan điều tra có nghĩa vụ thông báo trước ít nhất 7 ngày cho bên liên quan về kế hoạch và nội dung điều tra tại chỗ để xác minh các thông tin do bên liên quan cung cấp, với điều kiện việc thông báo không ảnh hưởng tới thời hạn điều tra vụ việc theo quy định.
Cơ quan điều tra có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho nước thành viên bị điều tra về việc nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá ít nhất 7 ngày trước khi Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Cơ quan điều tra có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho nước thành viên bị điều tra về việc nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra chống trợ cấp ít nhất 20 ngày trước khi Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp. Khi có yêu cầu từ Chính phủ nước thành viên liên quan, cơ quan điều tra có nghĩa vụ cung cấp bản không bảo mật hồ sơ yêu cầu điều tra chống trợ cấp.
Về phương pháp tính toán biên độ bán phá giá, khi tính toán biên độ bán phá giá cơ quan điều tra phải tính gộp tất cả các biên độ riêng lẻ, dù có kết quả dương hay âm, vào biên độ chung của mỗi nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.
Về công bố các dữ liệu trọng yếu, thông tư nêu rõ, chậm nhất 10 ngày trước khi có quyết định cuối cùng, cơ quan điều tra có nghĩa vụ công bố bằng văn bản các dữ liệu trọng yếu trong dự thảo kết luận điều tra cuối cùng. Các bên liên quan khi cung cấp thông tin mật cho cơ quan điều tra phải cung cấp bản tóm tắt công khai thông tin mật đó theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP.
Bên cạnh hướng dẫn về biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, thông tư cũng hướng dẫn chi tiết về biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp.
Theo đó, trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp tạm thời. Việc áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp tạm thời thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 52 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP.
Biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp tạm thời và biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp được áp dụng gồm: Đình chỉ việc tiếp tục giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo quy định của Hiệp định RCEP; hoặc áp dụng thuế tự vệ dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung đối với hàng hóa bị điều tra.
Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp không vượt quá 3 năm bao gồm cả thời gian áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp tạm thời.
Đáng chú ý, Thông tư số 07/2022/TT-BCT cũng hướng dẫn chi tiết thủ tục bồi thường khi Việt Nam điều tra, áp dụng, gia hạn biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp thực hiện theo quy định tại Hiệp định RCEP. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 9/5/2022./.
Xem chi tiết tại đây: