Sau khi thông tin Nhà nước sẽ bán hết vốn đang nắm giữ tại 10 doanh nghiệp hàng đầu, đặc biệt là Vinamilk với giá trị hơn 2,5 tỉ USD (Tuổi Trẻ 14-10), nhiều chuyên gia cho rằng đây là động thái hợp lý nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu hút thêm vốn đầu tư.

Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm là lộ trình thoái vốn như thế nào, bán cho ai và giá bán để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất. Một số chuyên gia cũng cho rằng đây là thông điệp cho thấy nhiều lĩnh vực quan trọng sẽ được mở cửa theo cam kết của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dù hiệp định này vẫn chưa được công bố.

Đầu tư chuỗi 6 bệnh viện

Ngày 14-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Tân - phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính - cho biết chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là chủ trương lớn, Chính phủ có văn bản chấp thuận thoái vốn 10 doanh nghiệp như công bố chỉ là một trong những việc nhằm cụ thể hóa chủ trương này.

Trả lời câu hỏi liệu có phải do ngân sách khó khăn mà Chính phủ quyết định thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp này, ông Tân cho hay không hẳn như vậy.

“Chủ trương thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước đã có từ lâu. Tại các phiên họp Chính phủ, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cũng được bàn và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt” - ông Tân khẳng định.

Cũng theo ông Tân, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính bổ sung kinh phí từ năm 2015 cho chương trình nông thôn mới từ nguồn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính phải huy động các nguồn, trong đó có nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để bổ sung tăng đầu tư phát triển trong trung hạn, đáp ứng các nhiệm vụ đầu tư cấp thiết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn số vốn cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực y tế.

“Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra hồi giữa năm, Thủ tướng Chính phủ cũng nói tại sao dân ta cứ phải sang khám chữa bệnh tại Singapore. Nếu chúng ta đầu tư sáu bệnh viện với số vốn 5.000 - 6.000 tỉ đồng/bệnh viện thì tổng số vốn đầu tư là 30.000 - 35.000 tỉ đồng. Hi vọng số vốn thoái từ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ dùng để tạo cú hích cho lĩnh vực y tế. Nếu tập trung nguồn lực để đầu tư, tới đây sẽ có chuỗi bệnh viện có quy mô và chất lượng đạt tiêu chuẩn khu vực, chưa kể một số dự án hạ tầng giao thông cũng đang thiếu vốn đối ứng để triển khai” - ông Tân cho hay.

Thông điệp mở cửa theo cam kết TPP

Sau khi danh sách doanh nghiệp mà Nhà nước thoái vốn toàn bộ được công bố, nhiều chuyên gia cho rằng đây không chỉ là thông tin tốt với thị trường chứng khoán, mà còn chứa nhiều thông điệp tích cực đối với hoạt động cổ phần hóa trong tương lai.

“Việc Nhà nước thoái hết vốn tại những doanh nghiệp này là động thái tất yếu nếu muốn thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Bởi nếu không bán “cục thịt” mà chỉ bán những “cục xương” thì sẽ không nhà đầu tư nào quan tâm” - ông Huỳnh Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, nói.

Đặc biệt, theo nhận định của ông Tuấn, động thái này của Chính phủ cũng chứa nhiều thông điệp, một trong số đó có thể nhằm thực hiệm cam kết mở cửa thị trường hơn nữa khi tham gia TPP. “Do TPP chưa được công bố nên vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định, nhưng động thái này cho thấy một số lĩnh vực như sữa, công nghệ, bảo hiểm... có thể nằm trong danh mục sẽ được mở cửa, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn” - ông Tuấn nhận định.

Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng động thái này cũng là thông điệp cho thấy Nhà nước sẽ sớm nới room (tỉ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư nước ngoài, vốn đang được nhiều nhà đầu tư trông ngóng từ lâu. “Một khi Nhà nước nới room cho nhà đầu tư nước ngoài ở những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ hoặc theo cam kết TPP, chắc chắn hoạt động cổ phần hóa trong thời gian tới sẽ tốt hơn” - ông Tuấn nói.

Chẳng hạn với MobiFone, theo ông Tuấn, nếu đã mở cửa cho FPT thì khả năng mở cửa nhiều hơn với viễn thông cũng cao, khi đó nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia nhiều hơn trong MobiFone hay một số doanh nghiệp khác cùng ngành này.

“Trong bối cảnh Nhà nước đang thiếu tiền để triển khai các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở, việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ vai trò chi phối, như Vinamilk chẳng hạn, là bước đi hợp lý” - chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân nói.

Theo ông Lân, hầu hết doanh nghiệp trong danh sách này đều nắm giữ thị phần lớn trong ngành và kinh doanh khá hiệu quả, nên chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của tất cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là doanh nghiệp cùng ngành. “Chẳng hạn với Vinamilk, việc bỏ vốn dài hạn vào cổ phiếu này cũng rất hiệu quả căn cứ vào quy mô thị trường, tăng trưởng doanh thu, tỉ suất lợi nhuận...” - ông Lân nhận định.

Bán cho ai và với giá nào?

Ông Nguyễn Minh Tân nhấn mạnh dù bối cảnh ngân sách khó khăn, chúng ta cần vốn để đầu tư nhưng không thể bán cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp bằng bất cứ giá nào. Cùng quan điểm, một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng dù là doanh nghiệp nào, ngay cả với Vinamilk - cổ phiếu được đánh giá là “hàng chất lượng cao”, cũng phải tính toán căn cơ xem bán khi nào, thậm chí bán cho ai để đảm bảo hiệu quả nhất đồng vốn của Nhà nước.

Một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết Chính phủ chỉ đạo sẽ tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, với mục tiêu đến năm 2020 chỉ còn 500 doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, mục đích của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, giảm mạnh vốn nhà nước tại doanh nghiệp là để đảm bảo khu vực tư nhân phát triển.

“Tuy nhiên, thị trường chứng khoán liên tục mấy năm gần đây có nhiều khó khăn, cung đang lớn hơn cầu nên tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có chậm lại. Do đó cần phải chọn thời điểm thích hợp để thoái vốn cho hiệu quả” - vị này nói.

Theo ông Hoàng Thạch Lân, muốn bán được giá nhất, thu được nhiều tiền nhất về cho Nhà nước, chỉ có thể là nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong cùng lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu bán cho nhà đầu tư nước ngoài, Nhà nước chắc chắn sẽ cân nhắc với trường hợp của Vinamilk.

“Dù không nằm trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, nhưng vấn đề lại nằm ở chính doanh nghiệp này bởi Vinamilk nắm giữ thị phần chi phối toàn thị trường sữa VN. Một khi nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần chi phối tại Vinamilk, họ cũng chi phối thị trường sữa VN - mặt hàng thiết yếu đang nằm trong danh mục được bình ổn” - ông Lân nói.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, nếu VN đã cam kết mở cửa thị trường sữa với TPP, việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này cho nhà đầu tư nước ngoài là một trong những bước đi nhằm thực hiện cam kết, chưa kể chỉ có nhà đầu tư nước ngoài mới đủ lực để tham gia Vinamilk do giá trị thoái vốn khá lớn.

Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng vấn đề quan trọng nhất có lẽ không phải là giá bán phần vốn tại các doanh nghiệp này, mà là bán cho ai mới quan trọng.

“Tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất là bán cho ai chứ không phải bán với giá cao. Một khi chọn được đối tác thích hợp kèm theo những thỏa thuận - có thể không được công bố - như đối tác phải đồng hành với doanh nghiệp trong dài hạn chứ không phải đầu tư tài chính... sẽ được Nhà nước ưu tiên lựa chọn” - ông Tuấn nhận định.

* Bà Bùi Thị Hương (giám đốc điều hành Công ty CP Sữa VN - Vinamilk):

Nên bán đấu giá công khai


Thông tin Nhà nước sẽ thoái hết vốn ở Vinamilk sẽ được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm bởi đây là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, quản trị tốt.

Việc bán vốn như thế nào là quyền của Nhà nước. Tuy nhiên, quan điểm của Vinamilk là cần bán đấu giá công khai, rộng rãi và minh bạch để đem về lợi ích cao nhất cho Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho mọi nhà đầu tư tham gia.

* Bà Nguyễn Thị Kim Yến (phó tổng giám đốc Công ty CP nhựa Bình Minh - BMP):

Kỳ vọng đồng hành cùng đối tác tương lai


Việc thoái vốn nhà nước tại BMP là hết sức bình thường vì lộ trình thoái vốn đã được SCIC lên kế hoạch từ nhiều năm trước, nên chắc chắn cũng không gây tâm lý xáo trộn đối với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này.

Điều chúng tôi kỳ vọng là đối tác trong tương lai của BMP sẽ gắn bó lâu dài, có sự đồng thuận cao, giúp BMP phát triển sản xuất ổn định lâu dài.

* Ông Bùi Quang Ngọc (tổng giám đốc Tập đoàn công ty cổ phần FPT):

Muốn mua lại phần vốn trong FPT Telecom

Chúng tôi đang chờ các chủ trương, kế hoạch triển khai liên quan đến lộ trình thoái vốn của SCIC tại Công ty CP FPT (SCIC chiếm 6% vốn) và Công ty CP viễn thông FPT (SCIC chiếm 50,2%).

Bản thân FPT cũng muốn mua lại phần vốn SCIC trong Công ty CP viễn thông FPT nhưng chưa biết quy trình sẽ như thế nào. Ngoài ra, cổ phiếu FPT luôn nằm trong danh mục ưu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài, nên từ trước đến nay “room” cho nhà đầu tư nước ngoài tại FPT luôn được đăng ký mua hết.

Trần Vũ Nghi - Lê Nam ghi

Theo Hải Đăng - Lê Thanh
Tuổi trẻ

Nguồn: Tuổi trẻ