Theo đó, tổng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong quý 2/2015 đạt hơn 23,600 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước (hơn 15,000 tỷ đồng).

Bức tranh lợi nhuận quý 2/2015 phủ lên nhiều gam màu tích cực hơn so với cùng kỳ năm trước khi chỉ có 67 doanh nghiệp thua lỗ (cùng kỳ năm trước là 74 doanh nghiệp lỗ) và 517 doanh nghiệp có lãi. Trong số doanh nghiệp có lãi thì 176 doanh nghiệp giảm lãi và 299 doanh nghiệp lãi tăng trưởng so cùng kỳ.

Đáng chú ý là trong quý 2/2015 số doanh nghiệp gia nhập đơn vị lãi nghìn tỷ đồng gấp đôi so cùng kỳ trong khi chỉ có 1 doanh nghiệp lỗ hơn 100 tỷ đồng (cùng kỳ có 4 doanh nghiệp).

Theo đó, tổng doanh thu mà 584 doanh nghiệp đạt được trong quý 2 là hơn 24,760 tỷ đồng, tăng 6% và lợi nhuận hơn 23,600, tăng 56% so cùng kỳ năm trước.

Cũng phải nói thêm là dù đã đến hạn cuối ngày công bố BCTC quý 2 (17/08) nhưng vẫn có hơn 50 doanh trễ hạn, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Gỗ Trường Thành (TTF) hay CTCP Dây Cáp Điện Việt Nam (CAV)…

Doanh nghiệp lãi nghìn tỷ


Thống kê cho thấy, quý 2 có 4 doanh nghiệp gia nhập nhóm doanh nghiệp lãi trên nghìn tỷ gồm KDC, GAS, VNM và HPG, trong khi quý 2 năm 2014 chỉ có VNM và GAS.

Có lẽ đáng ngạc nhiên nhất chính là KDC khi dẫn đầu lợi nhuận về giá trị tuyệt đối trong quý 2, đạt hơn 5,122 tỷ đồng, gấp 85 lần cùng kỳ. Đây cũng là quý đầu tiên trong suốt lịch sử thành lập và hoạt động của KDC có lãi cao như vậy. Tuy nhiên, thực tế hoạt động kinh doanh chính của KDC không tăng trưởng nhiều, lãi gộp chỉ tăng 6% so cùng kỳ. Và kết quả nghìn tỷ kia là nhờ chuyển giao 80% mảng bánh kẹo (CTCP Kinh Đô Bình Dương – BKD) cho đối tác ngoại Mondelēz International.

Trong khi cả HPG và VNM đều có mức tăng trưởng đáng kể thì GAS ghi nhận sự tụt dốc. Theo đó, việc giá dầu thế giới giảm mạnh là nhân tố chính yếu khiến lợi nhuận quý 2/2015 của GAS chỉ còn 2,587 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy tổng cộng có 34 doanh nghiệp có lợi nhuận trên 100 tỷ đồng trong quý 2. Đáng chú ý là sự xuất hiện của hai doanh nghiệp “mẹ con”của bầu Đức là HAG và HNG có lợi nhuận khá cao nhờ chính thức có nguồn thu từ bò.

Top 20 doanh nghiệp lãi lớn nhất quý 2/2015 

Nguồn: Vietstock
Bên cạnh những doanh nghiệp lãi khủng trên, xét về giá trị tương đối, có 4 doanh nghiệp tăng trưởng hơn 100 lần so cùng kỳ. Trong số này, KTS vẫn giữ vị trí “á quân” kể từ khi công bố từ trước đó với mức lãi ròng tăng 422 lần. Nguyên nhận là nhờ sản lượng đường và mật trong quý 2 tăng mạnh so cùng kỳ năm trước (hơn 10,000 tấn đường và 1,200 tấn mật) trong khi giá bán đường tăng 6% giúp doanh thu theo đó tăng gấp 3.5 lần, đạt 136 tỷ đồng.

Điểm chung của phần lớn những doanh nghiệp này là tăng trưởng “đột biến” chủ yếu là do quý cùng kỳ năm trước kết quả quá thấp nếu không muốn nói là “bết bát”. Chẳng hạn, 3 doanh nghiệp đứng sau ngay KTS gồm BGM, TTZ hay HAP có lợi nhuận quý 2 không cao về con số tuyệt đối nhưng so với lãi ở cùng kỳ lần lượt 9, 17 hay 140 triệu đồng thì tăng rất nhiều.

Ngoài ra, nếu so sánh với những quý gần đây thì kết quả quý vừa qua của 3 doanh nghiệp trên không hề đột biến. Đó là chưa kể trường hợp HAP còn bị lỗ thuần hơn 28.5 tỷ đồng trong quý 2/2015 và nếu không có ẩn số từ lợi nhuận khác 51 tỷ đồng thì doanh nghiệp này cầm chắc thua lỗ. 

Top 20 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận quý 2/2015

Nguồn: Vietstock
67 doanh nghiệp lỗ và 167 doanh nghiệp giảm lãi

Có nhiều doanh nghiệp luôn biết cách làm cho nhà đầu tư cảm thấy “choáng” khi đưa ra kết quả kinh doanh của mình. có 67 doanh nghiệp niêm yết báo lỗ quý 2, trong đó SMC là một minh chứng khi lỗ hơn 140 tỷ đồng, vượt cả con số dự đoán mà Ban lãnh đạo công ty dự kiến. Ngành nghề của SMC đang đối mặt với khó khăn khi giá thép trên thị trường giảm mạnh, trong khi lợi nhuận biên thấp nên không bù đắp được hàng loạt chi phí phát sinh.

Không chỉ riêng SMC, con số lỗ gần 87 tỷ đồng của NVT lại dấy lên một vấn đề khác đối với doanh nghiệp bất động sản. Theo đó, các hợp đồng bán biệt thự mà NVT đã ký kết từ năm 2010 đã bị thanh lý trở lại, hay nói dễ hiểu là hàng bán bị trả lại vì tiến độ xây dựng của NVT chậm và không thể bàn giao. Đây cũng là một tiếng chuông cảnh báo các doanh nghiệp bất động sản có dự án “chây ì” trên thị trường hiện nay.

Trong kỳ, doanh nghiệp bất động sản thua lỗ còn có sự góp mặt của ông lớn khác như TDC (lỗ gần 48 tỷ) và PTL (gần 16 tỷ)…

Số doanh nghiệp trong ngành vận tải đường thủy cũng chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng top 20 doanh nghiệp lỗ như VOS, VNA hay VFR. Trong đó VOS đáng buốn nhất khi lỗ hơn 83 tỷ đồng, tiếp mức lỗ 58 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. 

Top 20 doanh nghiệp lỗ nặng trong quý 2/2015



Nguồn: VietstockFinance

Dù không phải thua lỗ như những doanh nghiệp trên nhưng con số 167 doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm so cùng kỳ năm trước cũng phần nào nói lên khó khăn chung hiện nay. Trong số này, SMA, PDC, HLY, NST và BAM là những doanh nghiệp lãi quý 2 chưa đến 15 triệu đồng.

Riêng PDC được nhiều nhà đầu tư nhắc đến khá nhiều khi chính thức về tay “đại gia Mường Thanh”. Trong quý 2/2015, nhờ khoản lợi nhuận khác 52 triệu đồng nên PDC may mắn thoát lỗ và ghi nhận khoản lãi gần 12 triệu đồng, giảm đáng kể so với mức lãi 1.23 tỷ đồng quý 2/2014.

Top 20 doanh nghiệp giảm lãi trong quý 2/2015

Nguồn: Vietstock

Những doanh nghiệp từ lỗ sang lãi

Nguồn: Vietstock

Những doanh nghiệp từ lãi sang lỗ

Nguồn: Vietstock

Theo Sanh Tín
Vietstock

Nguồn: Vietstock