Khó có thể cắt nghĩa một cách chính xác nguyên nhân đẩy thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh như những phiên gần đây, nhưng tâm lý nhà đầu tư đang đóng vai trò quyết định đến tính thanh khoản của thị trường.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI) cho rằng, 90% là do tâm lý nhà đầu tư bị tác động bởi hàng loạt thông tin tiêu cực trong thời gian vừa qua như biến động tỷ giá, thị trường thế giới sụt giảm mạnh, nhà đầu tư ngoại bán ròng…, chưa kể những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất trong tháng 9 này sẽ tác động đến các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trong nhiều năm gần đây, thời điểm hoạt động mua bán của các quỹ ETF, thị trường thường rất sôi động, kéo thanh khoản tăng. Tuy nhiên năm nay, xu hướng này không được duy trì, thanh khoản thị trường sụt giảm do áp lực cắt giảm margin (sau Thông tư 36) và hoạt động cơ cấu lại nguồn của các CTCK.
Trong ngắn hạn, nếu so với thời điểm VN- Index đạt đỉnh (trong tháng 7/2015), lượng tiền margin tại nhiều CTCK thực tế giảm từ 20% đến 30% sau những phiên giảm điểm mạnh trong tháng 8/2015. Nhưng cho dù các CTCK vẫn còn “dư” ngân sách dành cho margin, thì ở giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư cũng không dám vay.
Theo thống kê, tính chung trên cả HOSE và HNX, trong tháng 8/2015, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 400 tỷ đồng, trong đó, khối lượng mua vào đạt hơn 237,89 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 6.460 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 251,7 triệu cổ phiếu, trị giá trên 6.823 tỷ đồng.
Các cổ phiếu trụ cột trên thị trường như VCB, PVD, PVS... đều bị khối ngoại bán ròng mạnh trong tháng 8/2015. So với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, lượng giao dịch của khối ngoại chiếm tỷ trọng nhỏ. Tuy nhiên, việc giao dịch tập trung vào những nhóm ngành lớn, cổ phiếu lớn đã có tác động lớn đến chỉ số chung của thị trường cũng như tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Khi thị trường đủ niềm tin, thanh khoản sẽ trở lại
Lượng giao dịch liên tục suy giảm do dòng tiền quay trở lại thị trường hạn chế sau giai đoạn nhà đầu tư thực hiện chốt lời. Trong ngắn hạn, việc thanh khoản có tăng hay không phụ thuộc vào chính sự hồi phục của thị trường. Ngay trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 8/9), mặc dù VN-Index tăng gần 12 điểm, nhưng thanh khoản thị trường chỉ nhích nhẹ, đạt hơn 2.100 tỷ đồng.
Điều này cho thấy, thị trường cần thêm thời gian để hồi phục tâm lý sau cú sốc tâm lý tác động bởi sự biến động tỷ giá và việc giá dầu giảm.
Bên cạnh đó, thị trường cần những giải pháp cụ thể từ phía cơ quan quản lý như nới room để “kích hoạt” dòng tiền trở lại, hay đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa để tăng lượng hàng hóa có chất lượng cho thị trường. Khi hàng hóa tốt, tự thị trường sẽ đẩy quy mô và thanh khoản tăng lên và tiếp tục hình thành niềm tin cho thị trường.
Theo ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng phân tích, CTCK SHS, hiện tại, các yếu tố hỗ trợ của nền kinh tế và doanh nghiệp đều thiếu. Trước mắt, việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết ngành nghề kinh doanh có điều kiện hứa hẹn sẽ giúp dòng tiền tham gia tích cực hơn trong thời gian tới, bởi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy nhanh việc mở room cho khối ngoại.
Nhìn ở khía cạch tích cực có thể thấy, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường giảm không có nghĩa mọi cổ phiếu, mọi nhóm ngành đều giảm. Nói như ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán, TTCK không có tính chu kỳ hàng quý trong năm giống như các ngành sản xuất kinh doanh, mà tùy thuộc vào mức độ kỳ vọng tại từng thời điểm. Trong khi nhà đầu tư kỳ vọng năm nay khác với năm trước trên nhiều lĩnh vực, có ngành xấu đi như dầu khí, có ngành lại tốt hơn như bất động sản, xây dựng… Chính vì vậy, ngành nào có kỳ vọng xấu đi, thanh khoản ngành đó sẽ giảm và ngược lại.
“Dòng tiền giảm không có nghĩa là rút ra khỏi thị trường, mà thực tế hai bên mua bán vẫn đang dè chừng, nhất là bên cầu đang chờ những thông tin mới. Điều nhà đầu tư cần hiện nay là những thông tin vĩ mô, hay những thông tin về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết… Khi thị trường đủ niềm tin, thanh khoản ắt sẽ tăng trở lại”, ông Lân nói.
Theo Hải Vân
ĐTCK