CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố Báo cáo thị trường tháng 5/2015 với nhận định: “VN-Index có thể đạt từ 600 – 605 điểm và HNX-Index tăng tới 87 – 87,5 điểm ở những tuần đầu tháng 6. Xu hướng điều chỉnh nhẹ có thể diễn ra sau đó và VN-Index có khả năng giảm và tích lũy ở vùng cân bằng quanh 580 điểm, HNX-Index 85 điểm.”
Theo BSC, thị trường vẫn còn đó sự hỗ trợ từ sự cải thiện tích cực của kinh tế vĩ mô, doanh nghiệp và hoạt động mua ròng của khối ngoại nhưng quy mô giao dịch của thị trường đã kém xa so với 5 tháng đầu năm 2014. Điểm nhấn của thị trường tháng 5 là sự đi xuống trong 2 tuần đầu và sự phục hồi mạnh mẽ trong 2 tuần cuối. Thị trường không còn những chuỗi phiên zic zắc giảm điểm mà thay vào đó là những phiên tăng điểm mạnh, dễ dàng vượt qua các vùng kháng cự. Cổ phiếu ngân hàng là trụ đỡ cho thị trường và đó là nền móng cho sự đi lên của mặt bằng giá.
BSC đánh giá thị trường sẽ tiếp tục xu thế tăng được xác lập từ cuối tháng 5. Trong nửa đầu tháng 6, xu hướng thị trường sẽ vẫn tích cực với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu Ngân hàng. Sự tăng giá mạnh và vững về xu hướng kỳ vọng sẽ kéo theo sự tăng trưởng về dòng vốn. Quá trình luân chuyển ngành sẽ diễn ra trong quá trình tìm kiếm cơ hội của nhà đầu tư. Những cổ phiếu chưa tăng hoặc tăng ít ở nhịp đầu tiên sẽ có cơ hội bắt kịp xu hướng chung.
Đối với cộng đồng nhà đầu tư, các thông tin được chờ đợi nhất vẫn là các Hiệp định thương mại tự do FTA và triển vọng mở room cho nước ngoài sẽ tiếp tục tác động tích cực đến thị trường và dòng tiền.
Với những nhận định này, BSC cho rằng NĐT có thể mở rộng hoạt động đầu tư trong nửa đầu tháng 6 và lưu ý diễn biến thị trường để thu hẹp quy mô ở nửa sau tháng 6. Dòng tiền nội trở lại sẽ mang nhiều cơ hội cho hoạt động đầu tư trung hạn và ngắn hạn. Hoạt động đầu tư dài hạn tiếp tục được khuyến nghị ở các Ngành Ngân hàng, Dệt may, Hạ tầng, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng … và một số cổ phiếu hết room.
Hoạt động đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc ở những nhóm cổ phiếu chưa có sự tăng giá đáng kể như dầu khí, bất động sản.
Xét theo nhóm ngành, BSC đánh giá:
- Các FTA sẽ có tác động tích cực đến các ngành xuất khẩu như Dệt may, Thủy sản, đồ gỗ… và gián tiếp đến cảng biển, khu công nghiệp đồng thời tăng áp lực lên các ngành Phân bón, thép
- Tăng trưởng tín dụng phục hồi sẽ giúp ngành ngân hàng cải thiện dần lợi nhuận và áp lực giải quyết nợ xấu, cải thiện triển vọng lợi nhuận từ giữa năm 2015. Hoạt động M&A sẽ tiếp tục nâng tỷ trọng của các NHTMCP trong VN-Index.
- Tỷ giá VND/USD tăng kèm với sự phục hồi của đồng EUR phục hồi sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp đang vay các đồng ngoại tệ này. Trong khi JPY/EUR lại tiếp tục suy yếu.
- Theo tính mùa vụ thì 6 tháng cuối năm sẽ khả quan cho các ngành bất động sản, vật liệu xây dựng, xây dựng, thủy điện, nhựa, cáp điện…
- Giá dầu phục hồi khá mạnh từ 43 USD/thùng lên 60 USD/thùng khiến mức suy giảm lợi nhuận của các DN dầu khí không quá lớn so với cùng kỳ. Nếu giá dầu duy trì và hồi phục tiếp trong 6 tháng cuối năm thì KQKD của các DN Dầu khí và có triển vọng cải thiện trở lại từ quý III và IV/2015.
Ngoài ra, BSC bớt bi quan hơn về ngành đường nhưng các chuyên gia cho rằng diễn biến trái chiều của giá đường trong nước và quốc tế khiến việc ngành Đường có thể “turn a round” sau 7 năm suy giảm vẫn là một ẩn số.
Theo Hà Phương
Trí thức trẻ/BSC