Trong tháng 7/2015, VN-Index đã có lúc quay lại mức đỉnh 640 điểm, ngưỡng kháng cự tâm lý cao nhất đạt được vào giai đoạn tháng 9/2014. Tuy nhiên, kết thúc tháng 7, chỉ số này chỉ đứng ở mức hơn 621 điểm tăng 29.56 điểm so với đầu tháng. Còn HNX-Index, trong tháng 7 cũng đã có lúc tăng lên 89.5 điểm nhưng kết thúc tháng 7, chỉ số này giảm nhẹ so với đầu tháng về đứng ở mức 85.13 điểm.

Theo nhìn nhận của ông Lê Đức Khánh - Giám đốc chiến lược đầu tư CTCK Maritime (MSBS), giai đoạn tăng điểm của thị trường trong tháng 7 có thể nói là “sóng” chính sách, của tin tức vĩ mô khi lần đầu tiên những thông tin từ việc nới room cho khối ngoại, kết quả của các vòng đàm phán TPP cho đến việc tái cơ cấu mạng lưới ngân hàng được chỉ đạo, hướng dẫn từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, điểm nổi bật trong tháng 7 là việc khối ngoại mua ròng liên tục kèm theo việc tăng giá mạnh của các cổ phiếu gần như kín hoặc đã kín room ngoại. Đây có thể coi là những tín hiệu đầu tiên báo hiệu khởi đầu của một con sóng chứng khoán lớn chưa từng thấy mà ông Khánh dự báo rằng sẽ bắt đầu vào đầu năm 2016 tới.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm phân tích thị trường CTCK BSC cho rằng, những thay đổi quan trọng về chính sách như Nghị định 60 cho phép mở room ngoại lên đến 100%, lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 74, và trước đó nữa là Nghị định thị trường phái sinh không những được thị trường mong đợi mà còn thể hiện tư duy quản lý thị trường đang thay đổi rất tích cực, trở nên linh hoạt, cởi mở hơn nhằm hướng tới hội nhập sâu rộng nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng vào khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại được đẩy mạnh trên TTCK Việt Nam, đi ngược với xu thế rút ròng của khu vực khi khối ngoại mua ròng 764 tỷ đồng trong tháng 7 và dẫn đầu bởi dòng vốn nóng ETF. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang khá hấp dẫn và Nghị định 60 đã là “cú huých” tâm lý với khối ngoại. Còn đối với dòng tiền khối nội, dù không bùng nổ nhưng lại khá bền bỉ và có xu hướng chuyển dịch vào các cổ phiếu lớn, có kết quả kinh doanh tốt tạo nền tảng vững chắc cho thị trường trong trung hạn.

Thị trường tháng 8 sẽ điều chỉnh

Mặc dù tin vào sự hỗ trợ tích cực của chính sách nhưng việc thị trường quay lại điều chỉnh ở giai đoạn cuối tháng 7/2015 đưa nhìn nhận của các chuyên gia trở nên thận trọng hơn trong ngắn hạn.

Theo ông Lê Đức Khánh, VN-Index trước sau gì cũng sẽ vượt qua mốc 640 điểm để tiến các mốc cao hơn 660-680 điểm và thậm chí 700 điểm cho giai đoạn cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nhất là tháng 8/2015, VN-Index sẽ tiếp tục điều chỉnh kèm theo nhiều phiên tăng/giảm đan xen ở quanh mốc 615 – 635 điểm.

“Sự điều chỉnh tích lũy là cần thiết và kèm theo đó là diễn biến phân hóa từng dòng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu bất động sản, dầu khí, ngân hàng, thủy sản…sẽ tăng giảm đan xen mà diễn biến sideway là chủ yếu”, ông Khánh đánh giá.

Trong thời gian tới, ông Khánh cho rằng có 3 yếu tố chính sẽ tác động mạnh lên TTCK.

Đầu tiên, bắt đầu từ 01/09, Nghị định 60 sẽ bắt đầu có hiệu lực thì nhà đầu tư ngoại cũng như nhà đầu tư nội sẽ chú ý được biệt đến những cổ phiếu đã gần kín hoặc kín room nước ngoài kiểu như SSI, HCM, TCM, FCN, VSC, FCN… các mã cổ phiếu thuộc nhóm này sẽ có giao dịch đặc biệt tích cực thời gian tới.

Thứ hai, thông tin hỗ trợ từ các vòng đàm phán TPP cũng sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư nói chung. Dòng tiền nội hiện nay đặc biệt quan tâm đến quá trình đàm phán này và đây sẽ là chất xúc tác tác động đến thanh khoản của thị trường.

Thứ ba, có lẽ là thông tin rò rỉ được tung ra từ kết quả kinh doanh quý 3/2015 của các doanh nghiệp niêm yết. Các cổ phiếu doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt sẽ có những giao dịch khá ấn tượng.

Còn theo ông Bùi Nguyên Khoa, sau 2.5 tháng tăng điểm trước nhiều kỳ vọng về mở room, TPP; các chỉ số đang điều chỉnh, tích lũy lại trên 600 điểm đối với VN-Index và 85 điểm với HNX-Index. Đây cũng là xu thế chính trong 2 tuần đầu tháng 8/2015 và cũng là thời điểm tốt nhất để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu trong trung hạn. Sau đó, thị trường sẽ vận động tích cực vào nửa cuối tháng 8 khi dòng tiền sẽ trở lại.

Theo ông Khoa, hiệu ứng tâm lý do Nghị định 60 đã qua, giờ là thời điểm thị trường cần đánh giá mức độ ảnh hưởng của quy định này, những các ngành và doanh nghiệp thực sự được mở room.

Rủi ro đến từ dòng tiền

Thị trường nếu muốn đi lên thì không thể thiếu dòng tiền, nhưng dòng tiền trong năm 2015 hiện nhỏ hơn năm 2014, trong khi chỉ số đã lên đến mức gần đỉnh của năm 2014 cho thấy đây là một rủi ro của thị trường, ông Hoàng Công Tuấn – Chuyên viên phân tích CTCK MB (MBS) nhận định.

Xét đến dòng tiền ngoại, theo quan sát cá nhân, ông Tuấn cho rằng khối ngoại thường mua ròng cho đến tháng 7/2015 và bắt đầu bán từ cuối tháng này cho đến hết tháng 10, đầu tháng 11 mới quay trở lại mua. Do đó, trong trường hợp không có thay đổi thì trong các tháng tới khó có thể thấy dòng tiền đầu tư nước ngoài hỗ trợ thị trường mạnh.

Về dòng tiền nội, các yếu tố như mặt bằng lãi suất, lạm phát, kỳ vọng thị trường, margin thị trường,… sẽ tác động mạnh đáng kể nhất. Hiện nay, lạm phát chỉ ở mức thấp nhưng lãi suất không có xu hướng giảm nên tiền khó chảy vào các kênh đầu tư ngoài tiết kiệm.

Theo ông Tuấn, trong một tháng tới các thông tin như kết quả kinh doanh quý 2/2015, mở room… có thể không còn hỗ trợ thị trường nữa khi mà đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu hiện nay trong khi các thông tin mới hỗ trợ chưa có.

Trên những cơ sở đưa ra, ông Tuấn nhìn nhận sẽ khó có dòng tiền mới đủ mạnh đổ vào TTCK để đẩy giá cổ phiếu lên mặt bằng cao mới. Theo đó, thị trường đang tạo đỉnh ngắn hạn và trong thời gian tới sẽ có xu hướng điều chỉnh về vùng 600 điểm để tích lũy trước khi có thêm thông tin và dòng tiền mới vào. Vùng dao động của VN-Index trong tháng 8/2015 sẽ là 600-630 điểm.

Giống như hai ý kiến trên, ông Tuấn cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên chọn các yếu tố cơ bản với xu hướng đầu tư giá trị. Song, một số ngành có yếu tố đặc thù như cao su, khoáng sản,… thì không nên đầu tư.

Theo Duy Hoàng
Vietstock

Nguồn: Vietstock