Ngày 11/6, Ủy ban Chứng khoáng Nhà nước bất ngờ công bố dự thảo thay thế Thông tư 74 năm 2011 để lấy ý kiến hoàn thiện. Điểm đáng chú ý nhất trong Dự thảo là việc nhà đầu tư sẽ được giao dịch trong ngày (day trading) một loại cổ phiếu trong đợt khớp lệnh liên tục. Trong đó, ngoài việc vừa mua xong cổ phiếu được bán ngay lượng cổ phiếu đó (giao dịch T+0), điểm đáng chú ý của dự thảo này đó là NĐT được phép bán khống cổ phiếu (với điều kiện mua lại ngay trong ngày), nghĩa là bán cổ phiếu dù trong tài khoản không có cổ phiếu hoặc cổ phiếu chưa đến ngày về.
Việc bắt đầu triển khai bán khống là một tín hiệu lạc quan đối với thị trường, nhằm nâng cao thanh khoản và từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc bán khống sẽ không áp dụng trên toàn thị trường mà bước đầu mới chỉ áp dụng tại các cổ phiếu trong VN30, HNX30, chứng chỉ quỹ và cũng chỉ có một số công ty chứng khoán đáp ứng được yêu cầu về tài chính mới được cung cấp dịch vụ bán khống tới nhà đầu tư.
Dự thảo quy định, Công ty chứng khoán nếu muốn cung cấp dịch vụ bán khống cho khách hàng, cần có vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng trở lên; đã trích lập đầy đủ các khoản dự phòng; không có lỗ trong 2 năm gần nhất; tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất;...
Theo số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX), trong số gần 90 công ty chứng khoán, tạm thời chỉ có 10 công ty chứng khoán đáp ứng được các tiêu chí về vốn điều lệ; an toàn vốn khả dụng và có lãi 2 năm liền.
Các công ty chứng khoán đủ điều kiện theo Dự thảo
Đơn vị: Tỷ đồng
   
Như vậy, với chỉ 11% số công ty chứng khoán đáp ứng được điều kiện để cung cấp dịch vụ bán khống, các công ty chứng khoán còn lại sẽ bước vào cuộc đua mới để tăng vốn điều lệ, tăng tỷ lệ an toàn vốn khả dụng và đảm bảo lợi nhuận 2 năm liền.
Một số các công ty chứng khoán nằm trong top 10 có thị phần lớn nhất trên hai sàn như BSC, BVSC, Bản Việt, FPTS...thời gian tới chắc chắn sẽ phải có kế hoạch tăng vốn để có thể chạy đua với các CTCK vốn lớn. CTCK SHS mặc dù vốn trên 1.000 tỷ, có lãi 2 năm nhưng tỷ lệ an toàn vốn khả dụng chỉ đạt 207%, không đáp ứng được tiêu chí tỷ lệ an toàn vốn phải trên 220%.

Câu hỏi đặt ra ở đây, liệu thị trường có chứng kiến sự bùng nổ phát hành cổ phiếu từ công ty chứng khoán hay chứng kiến làn sóng hợp nhất/sáp nhập hay không, và các CTCK đáp ứng đủ các điều kiện của Thông tư này, khi giao dịch thực tế có kiểm soát được các giao dịch này một cách chặt chẽ hay không. Có lẽ, để dự thảo này được ban hành chắc chắn cần một thời gian kha khá để các thành viên thị trường cho ý kiến và chuẩn bị cơ sở hạ tầng cũng như nhân lực.