Cụ thể, SCIC sẽ thoái hoàn toàn 6% lượng cổ phiếu
FPT đang sở hữu. Được biết, hiện SCIC đang là cổ đông lớn thứ 2 tại FPT sau ông Trương Gia Bình.
Theo đánh giá của một chuyên viên phân tích, về cơ bản, thông tin trên không ảnh hưởng quá lớn đến FPT do: 1) Room nước ngoài không thay đổi; 2) SCIC không can thiệp quá nhiều vào FPT và cũng không ảnh hưởng gì đến FPT khi thoái vốn.
Tuy nhiên, về mặt tâm lý, các cổ phiếu mà SCIC thoái vốn thường có xu thế tăng giá trong ngắn hạn (góp phần giúp SCIC thoái vốn ở giá cao hơn thị giá và hoàn thành vượt mức kế hoạch thoái vốn).
Đối với FPT Telecom, SCIC sẽ thoái toàn bộ 50,2% vốn cổ phần. Theo thống kê, FPT đang sở hữu 45,64% vốn cổ phần tại doanh nghiệp này và đang hợp nhất kết quả kinh doanh của FPT Telecom vào BCTC hàng năm. Đây là mảng chiếm 13,4% tổng doanh thu và đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận của FPT (hơn 41% lợi nhuận trước thuế).
Sự kiện này có thể dẫn đến 2 khả năng. Hoặc FPT mua lại phần vốn tại FPT Telecom, nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 96%. Nếu khả năng này xảy ra, lợi nhuận sau thuế và EPS các năm sau của FPT sẽ tăng mạnh, ảnh hưởng tích cực đến thị giá cổ phiếu FPT trên thị trường.
Trường hợp thứ 2, SCIC bán FPT Telecom cho các nhóm nhà đầu tư khác (hiện FPT Telecom vẫn bị giới hạn Room 49%). Nếu khả năng xảy ra sẽ không có tác động đáng kể nào đến các yếu tố tài chính và thị giá của FPT.
Tuy nhiên, cần lưu ý sẽ có khả năng một cổ đông/nhóm cổ đông sau khi nắm 50,2% sẽ ít nhiều có tác động đến việc quản trị, điều hành hiện tại của FPT Telecom và ảnh hưởng đến số thành viên HĐQT của FPT Telecom, từ đó khiến doanh thu của FPT Telecom không còn được hợp nhất vào kết quả chung của tập đoàn FPT. Doanh thu và tăng trưởng doanh thu các năm sau sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu.
Nhìn chung, việc SCIC thoái vốn khỏi tập đoàn FPT không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của FPT và có khả năng sẽ tác động tích cực đến thị giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
Theo Mai Hương
Bizlive