Cổ phiếu nhiệt điện tăng 
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sản lượng điện Quốc gia 6 tháng đầu năm tăng 14% so với cùng kỳ, toàn bộ nguồn điện đã vận hành tối đa công suất tuy nhiên do nắng nóng kéo dài mà nhu cầu tiêu thụ điện tăng nhanh, gây áp lực cung cấp điện cho ngành.

Đồng thời, thông tin hạn hán kéo dài trên nhiều tỉnh thành trên cả nước khiến lưu lượng nước tại các hồ chứa xuống thấp. Điều này được dự đoán gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện niêm yết trên sàn. Nếu hạn hán kéo dài sẽ khiến các nhà máy nhiệt điện đẩy mạnh công suất trong khi các nhà máy thủy điện sẽ bị ảnh hưởng do thiếu nước.

Trong khi đó, từ ngày 16/3/2015, giá điện được điều chỉnh tăng 7,5%, tương đương mức giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh, mức giá ở thang cao nhất là 2.579 đồng/kWh.

Giá điện tăng, hạn hán kéo dài, nhóm ngành nhiệt điện và các mã cổ phiếu ngành có vẻ được lợi?
Diễn biến giao dịch giá cổ phiếu nhóm nhiệt điện với Vn-Index
 trong thời gian từ 16/3 - 16/6.

Tính từ ngày 16/3 đến ngày 16/6, khi thị trường có thông tin tăng giá điện, nhóm cổ phiếu nhiệt điện gồm NT2 (niêm yết HOSE ngày 12/6), NBP, PPC và BTP hầu hết giữ được mức tăng cao hơn VnIndex. Giá cổ phiếu NT2 trong cơn đỉnh điểm tăng tới 8,2%, NBP tăng 5,59%, BTP tăng 5,73%, trong khi mức tăng cao nhất của VnIndex là 0,98%.

NT2 và PPC – hai mã ngành tiềm năng
Năm 2015, NT2 dự kiến sản lượng đạt 4.295 tỷ kWh, giảm 9,8% so với năm 2014, doanh thu đạt 5.970,26 tỷ đồng, giảm 21% và lợi nhuận ròng đạt 627,7 tỷ đồng, giảm 60,5%. Mục tiêu thận trọng này được đặt ra căn cứ theo sản lượng và giá của hợp đồng PPA.

Tuy nhiên, SSI Research cho rằng, đây là một kế hoạch quá mức thận trọng. Theo đó, sản lượng điện NT2 có thể sản xuất tới 4,7 tỷ kWh, cao hơn 8% kế hoạch. NT2 cũng chưa tính đến 140 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giãn khấu hao trong năm 2015 và chưa xét đến doanh thu từ thị trường điện cạnh tranh. Do đó, SSI Research dự kiến doanh thu và lợi nhuận ròng tương ứng 6.670 tỷ đồng và 1.119 tỷ đồng, tương ứng EPS đạt 4.086 tỷ đồng.

Quý I/2015, NT2 đạt 1.758 tỷ đồng doanh thu (tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước) và 503,3 tỷ đồng lợi nhuận ròng (hoàn thành 80% kế hoạch năm). Sản lượng điện thấp hơn 1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,3 tỷ kWh. Trong kỳ, NT2 ghi nhận 248 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá ròng nhờ đồng EUR mất giá 10% so với tiền đồng.
Đơn vị: Tỷ đồng
Đối với PPC, trong tháng 4 và tháng 5, Công ty đã sản xuất được 1,2 tỷ KWh. Công ty dự báo sẽ sản xuất được 1,8 tỷ KWh trong quý II/2015, tăng 10% so với quý trước và 8% so với cùng kỳ năm trước.

SSI Research dự báo trong 6 tháng đầu năm, PPC có thể đạt được 320 tỷ đồng lợi nhuân trước thuế, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2015, công ty có thể đạt 919 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Năm 2016, con số này có thể lên tới 1.328 tỷ đồng, tăng 45%.

Ngành nhiệt điện đón nhận nhiều thuận lợi
Báo cáo phân tích của BSC cho biết, trong năm nay, các doanh nghiệp ngành điện tiếp tục nhận được nhiều hỗ trợ. Cụ thể, ước tính năm 2015, Việt Nam sẽ chỉ nhập khẩu 1.8 tỷ kWh điện từ Trung Quốc, giảm 21% so với năm 2014. Đồng thời năm 2015 cũng sẽ kết thúc hợp đồng nhập khẩu điện từ Trung Quốc cấp cho 13 tỉnh ở miền Bắc được ký từ tháng 10/2005.

Báo cáo phân tích ngành của SBS lại cho rằng, đối với các nhà máy nhiệt điện khí, từ ngày 1/1/2015, giá khí trên bao tiêu sẽ tăng lên mức bằng 100% giá thị trường (46% giá dầu FO trung bình của thị trường Singapore). Do vậy, với dự báo giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong năm 2015, giá khí bán cho các nhà máy điện sẽ giảm.

Ngoài ra, trong năm nay, đồng yên và euro được dự báo tiếp tục mất giá. Theo Goldman Sachs, tỷ giá USD/JPY sẽ tăng thêm 10 yên tính đến cuối năm 2015 lên mức 130 và tỷ giá EUR/USD sẽ giảm USD xuống mức 1,15 vào cuối năm 2015.

Riêng với các doanh nghiệp ngành điện sẽ có lợi thế trong tương lai khi thương lượng giá bán lại với EVN. Việc tăng giá điện 7,5% cũng góp phần tăng doanh thu cho EVN thêm khoảng 7% xấp xỉ 13.000 tỷ đồng, giải quyết một phần lỗ cho EVN trong năm 2014. 

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đang từng bước triển khai thị trường phát điện cạnh tranh nhằm từng bước minh bạch hóa và ổn định thị trường. Mặc dù còn một số điều bất cập nhưng đây là một tín hiệu vui cho các đơn vị sản xuất điện và cả cho người tiêu dùng cuối khi thời  gian qua thị trường điện vẫn còn cơ chế độc quyền.
Khổng Chiêm