Công ty CP chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) vừa đưa ra nhận định chi tiết sau khi Bộ Công Thương chính thức công bố kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Na-EU.

Được biết, đây là Hiệp định có mức độ tự do hoá thị trường lớn nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến thời điểm này.

Mức thuế bình quân hàng Việt vào EU là 4,6%, ngược lại EU là 10,6%

Hiệp định này sẽ loại bỏ gần như toàn bộ thuế quan đối với hàng hóa giao dịch giữa hai nền kinh tế. Hơn nữa, Việt Nam đã đồng ý tự do hóa thương mại trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, viễn thông, giao thông, bưu chính và chuyển phát nhanh trong 10 năm trong khi đó các thuế quan của EU tương tự cũng sẽ bị dỡ bỏ trong 7 năm.

Sau khi có hiệu lực, ngay lập tức mức thuế bình quân áp dụng cho hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu vào EU là 4,6%, tuỳ ngành. Trong đó, có 65% hàng hoá Việt sẽ được miễn thuế hoàn toàn.

Theo từng ngành, thuế suất với hải sản là 5,5% (hơn 10% đối với phi lê cá), đối với may mặc, thuế suất dao động từ 9,6% -11,6%, đối với các mặt hàng giày dép là 12,4% và các sản phẩm nội thất và đồ gỗ là khoảng 3-4%.

Trong khi đó, thuế suất bình quân đối với các mặt hàng xuất khẩu của EU vào Việt Nam là cao hơn, ở mức 10,6%.

Đây là diễn biến quan trọng đối với ngành công nghệ thông tin, may mặc, giày dép và đồ nội thất,

Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang thị trường EU bao gồm điện thoại, các sản phẩm điện tử, giày dép, may mặc và quần áo, cà phê, gạo, hải sản và đồ nội thất.

Các sản phẩm may mặc, quần áo, giày dép và thực phẩm chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và chiếm hơn 50% xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Âu.

Và dựa trên hiệp định này, xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước tính sẽ tăng từ 50% lên 93% đến năm 2020 (với tốc độ CAGR là 4-8%). Xuất khẩu của EU sang Việt Nam chủ yếu sẽ là các sản phẩm công nghệ cao bao gồm máy móc và thiết bị điện tử, máy bay, phương tiện giao thông và dược phẩm.

Nhóm cổ phiếu hưởng lợi

Theo đó, nhóm ngành đạt thắng lợi lớn là dệt may, giày dép và hải sản. Đây là những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam sang EU.

"Thông tin tốt đối với VHC; HVG; STK; TTF và đặc biệt là Vinatex, doanh nhiệp dệt may vẫn chưa niêm yết. Đây có thể xem là phần bù đắp cho sự trì hoãn của TPP", HSC nhận định.

Trong báo cáo, HSC khuyến nghị và ưa thích các doanh nghiệp chế biến cá như VHC, HVG, các doanh nghiệp dệt may như STK, TCM và các doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất và đồ gỗ như TTF.

Riêng với ngành dệt may, ông Jean Jacques Bouflet, Tham Tán Công Sứ, Trưởng Ban Kinh tế và Thương mại đã cho biết sản phẩm dệt may từ Việt Nam sang EU sẽ dỡ bỏ dần dần sau 7 năm.

Theo đó, dệt may của Việt Nam muốn hưởng mức thuế suất 0% khi xuất khẩu sang thị trường EU phải đảm bảo quy chế chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ kép tức là ít nhất vải và việc may mặc phải được làm ở Việt Nam.

Tuy nhiên, phía EU cũng cho phép áp dụng quy chế cộng dồn nếu đối tác đó thuộc FTA của Việt Nam và EU, nguồn nguyên liệu là của Việt Nam, chẳng hạn như Hàn Quốc.

Theo Bạch Dương
NDH

Nguồn: NDH